![Hà Nội: Đầu tư xây dựng 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/fwcgmzsfdazs/2025_02_11/cau-tu-lien-1102-5153.jpg.webp)
Sáng 11/2, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp trực tuyến Ủy ban Nhân dân thành phố thường kỳ tháng 2/2025 để xem xét một số nội dung trình kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố sắp tới và theo Chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Tại phiên họp, Ủy ban Nhân dân thành phố tiến hành xem xét thông qua Tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố đối với 3 dự án nhóm A gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa); dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu; dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
Tập thể Ủy ban Nhân dân thành phố cũng xem xét thông qua Tờ trình của Ủy ban Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về ban hành các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố; xem xét thông qua Tờ trình của Ủy ban Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP của thành phố Hà Nội năm 2025.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cầu Tứ Liên sẽ được đầu tư trên 19.000 tỷ đồng và dự kiến khởi công xây dựng vào cuối tháng 5/2025.
Cầu Tứ Liên là một trong 9 cầu bắc qua sông Hồng sẽ được xây dựng theo quy hoạch và cấp bách hình thành để giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy kinh tế-xã hội hai bên bờ sông Hồng và thành phố Hà Nội.
Ủy ban Nhân dân thành phố đang giao cho Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm khởi công.
Theo đề xuất, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng quyết định giao thành phố làm cơ quan chủ quản của dự án, tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công ngày 29/11/2024. Đồng thời, Hà Nội đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ tối thiểu 50% tổng mức đầu tư cho hạng mục xây dựng cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu.
Phần kinh phí còn lại sẽ do thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên đảm nhận, bao gồm ngân sách địa phương để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng đường song hành và phần còn lại của hạng mục cầu chính cùng đường dẫn.
Dự án cầu Ngọc Hồi có điểm đầu tại huyện Thanh Trì, Hà Nội (Km0+00), kết nối với điểm cuối của dự án đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La-Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, cách cao tốc khoảng 360m về phía đê Hữu Hồng. Điểm cuối của cầu nằm tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (Km7+500), kết nối với đường vành đai 3,5 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cách đê Tả Hồng 700 m về phía cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Tổng chiều dài dự án khoảng 7,5km, trong đó đoạn qua Hà Nội dài 5,4 km, đoạn qua Hưng Yên dài 2,1 km. Cầu chính vượt sông Hồng và cầu dẫn có tổng chiều dài 7,2km, rộng 33m, trong khi đường dẫn phía Hưng Yên dài khoảng 300 m, rộng 60m.
Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 11.770 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách thành phố Hà Nội và Trung ương. Dự án được chia thành 6 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 là đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có mức đầu tư lên đến 10.198 tỷ đồng.
Cầu Trần Hưng Đạo có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.000 tỷ đồng với chiều dài 5,6km. Cầu dự kiến sẽ khởi công tháng 5/2025, kết nối quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng với quận Long Biên.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có một đầu nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, đầu còn lại bên quận Long Biên.
Điểm đầu dự án tại ngã 5 phố Trần Hưng Đạo-Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm) và điểm cuối tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A-đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên).
Về vị trí xây dựng, phía quận Hoàn Kiếm, dự án cầu Trần Hưng Đạo đi qua phần lớn phố Vạn Kiếp, nằm gần với bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Còn phía quận Long Biên, tại đoạn gần sông Hồng cầu Trần Hưng Đạo nằm tiếp giáp với khu dân cư.
Bên cạnh đó, đường nối cầu Trần Hưng Đạo tới đường Nguyễn Văn Linh sẽ nằm giữa hồ Lâm Du và sân bay Gia Lâm. Dự án sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.000 tỷ đồng. Công trình được xây dựng vĩnh cửu với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.