Chị H.T, giám đốc một công ty phân phối dược phẩm tại Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cho biết hôm qua, (4/9), chị và tất cả các bộ phận trong công ty đã phải chạy đôn chạy đáo để đăng ký theo quy định giấy đi đường mới.
Theo các bước hướng dẫn từ cảnh sát khu vực, sau khi đăng ký theo biểu mẫu (tên doanh nghiệp, số điện thoại, email, ngành nghề), doanh nghiệp nếu được duyệt sẽ phải nộp tiếp biểu mẫu số 2 (gồm họ tên những người được cấp, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, tuyến đường, khu vực di chuyển, ngành nghề, hiệu lực giấy, khung giờ).
“Công ty có gần 60 nhân viên, hôm qua đã phải cấp tốc liên hệ với cảnh sát khu vực để đăng ký giấy đi đường, nhưng cũng được cho biết chỉ xét duyệt 3 - 5 người và mới ở bước 1. Cảnh sát khu vực hẹn hôm nay sẽ cấp giấy nên chúng tôi vẫn đang chờ”, chị T. cho hay.
Chị T. cũng chia sẻ, hoạt động kinh doanh của công ty điêu đứng từ đầu đợt giãn cách vì việc vận chuyển hàng đi tỉnh hay về Hà Nội rất khó khăn, ngay trong Hà Nội cũng khó khăn không kém, trong khi chi phí vận chuyển, ship hàng thì tăng lên rất nhiều. Lo không kịp được cấp giấy đi đường mới, cả ngày hôm qua, nhân viên công ty đã phải làm tăng cường đến đêm để chuyển bớt hàng.
“Công ty vẫn còn 2 chuyến hàng ngày mai về tới sân bay Nội Bài, nhưng không biết phải bốc dỡ, vận chuyển về công ty thế nào vì không có người. Chúng tôi đã phải cử 5 - 7 nhân viên ăn ở tại công ty đề phòng việc đi lại khó khăn. Mỗi lần thay đổi chính sách, doanh nghiệp vất vả và chi phí tăng thêm rất nhiều”, chị T. cho biết.
Chủ một đại lý phân phối sữa tại H.Thanh Trì cũng cho biết, từ hôm qua đến nay, anh gọi liên tục, “cháy máy” cho công an phường để chờ hướng dẫn, số hotline thì không gọi được. Nếu không có giấy đi đường thì nhân viên không thể đi giao hàng, phân phối sữa đến các cửa hàng nhỏ lẻ trong thành phố.
Lo không thuộc diện được cấp giấy
Anh B., giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh các loại thiết bị đo ô nhiễm nhập khẩu, trụ sở tại Q.Hoàn Kiếm, cho biết nếu theo quy định về 6 nhóm đi đường thì công ty anh không thuộc nhóm nào được ra đường.
“Những nhân viên làm việc online được chúng tôi đều đã cho làm việc online tại nhà, nhưng có những việc không online được như lắp đặt, bảo trì máy móc. Trong khi quy định thì không thấy doanh nghiệp thuộc diện gì”, anh B. chia sẻ. Lo lắng không ra đường được khi có quy định giấy đi đường mới, đêm qua, chủ doanh nghiệp này đã phải tới công ty mang con dấu về nhà.
Anh K., giám đốc nhân sự một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Nội Bài (H.Sóc Sơn), cũng cho hay, dù công ty anh có hàng nghìn công nhân làm trong lĩnh vực sản xuất, nhưng lại không được quy định trong 6 nhóm đi đường.
“Theo quy định cấp giấy đi đường cũ, ngoài các doanh nghiệp trong lĩnh vực công ích, thiết yếu, thì các doanh nghiệp duy trì sản xuất để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất cũng được phép hoạt động. Nhưng quy định 6 nhóm đối tượng mới thì chỉ doanh nghiệp công ích, thiết yếu được cấp giấy đi đường. Từ hôm qua đến giờ, công ty chúng tôi vẫn đang chờ thông tin hướng dẫn từ công an và chính quyền xã”, anh K.nói và cho rằng, các giải pháp siết chặt để chống dịch là cần thiết, song cần phải tính tới việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Chính sách cần tính đến thực tế
Theo bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chính sách cấp giấy đi đường của Hà Nội đang “dồn” quá nhiều việc cho công an, trong khi chưa tính kỹ đến thực tế của doanh nghiệp và người dân.
“Giám đốc một công ty cấp nước có cả nghìn cán bộ nhân viên cũng than với tôi không biết làm sao để xin kịp giấy đi đường cho nhân viên đi làm. Mỗi phường, xã có hàng nghìn hộ dân có nhu cầu đi chợ, có hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu đi làm, nếu dồn hết cho công an phường hay CSGT thì làm sao cấp kịp. Như hôm qua, tôi thấy thương cho anh cảnh sát khu vực khi nhận vài trăm tin nhắn Zalo từ hàng trăm người dân đăng ký đi chợ, các chợ khác nhau, các khung giờ khác nhau. Sức đâu mà làm nổi”, bà Lan nói.
Tới sáng nay, 5/9, việc cấp giấy đi đường đã được Công an Hà Nội điều chỉnh lại so với dự kiến ban đầu, trong đó, các nhóm cơ quan nhà nước và các tổ chức nhà nước sẽ tự chịu trách nhiệm. Theo bà Lan, Hà Nội là thủ đô, cơ quan nhà nước và các tổ chức rất nhiều, việc trả lại quyền tự cấp giấy đi đường và tự chịu trách nhiệm là cần thiết. Nhưng 3 khối còn lại gồm các doanh nghiệp và người dân vẫn có khối lượng rất lớn, nếu vẫn giao cho công an cấp thì quá nhiều.
Chuyên gia này cũng đề xuất, với khối doanh nghiệp nên giải toả bớt, để doanh nghiệp tự cấp giấy và tự chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng chỉ giám sát và hậu kiểm như trước đây.
Mặt khác, đối tượng được cấp giấy là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công ích, thiết yếu được hoạt động, theo bà Lan là chưa hợp lý. Hiện tại, quy định thế nào là lĩnh vực thiết yếu vẫn đang tranh cãi, do có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khi đó, Chính phủ đã chủ trương tất cả các mặt hàng đều là thiết yếu, trừ hàng cấm, để duy trì không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Song, với quy định hiện tại của Hà Nội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất loay hoay vì không thấy mình thuộc nhóm nào. Chưa kể để đăng ký và được duyệt với quy trình như hiện tại thì có khi mất tới cả chục ngày, doanh nghiệp mới được cấp giấy.
“Chống dịch là cần thiết, nhưng đừng bắt doanh nghiệp, người dân gánh nặng quá lớn. Chưa nói đến chính quyền phường xã, công an cũng phải gánh khối lượng công việc quá lớn. Trong khi nếu dồn lại nhiều không đảm nhận kịp, ảnh hưởng đến hoạt động chung của doanh nghiệp và xã hội thì chính họ lại bị chê trách nhiều nhất. TP.HCM đã có kế hoạch tính dần đến sống chung với dịch, lên các kịch bản khôi phục kinh tế, Hà Nội cũng cần phải tính phương án để hồi phục sản xuất, thay vì cứ đóng kín, khiến doanh nghiệp khó khăn như hiện nay”, bà Lan nói.