Xác định việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong thời gian tới nhằm tiến tới mục tiêu tái thiết đô thị và phát triển kinh tế, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn cũng như nâng cao điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho người dân, Thành ủy Hà Nội vừa đồng ý chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để triển khai việc kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô ngay trong năm 2021.
Cụ thể, Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố phối hợp Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật và đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của thành phố trong việc quản lý các chung cư cũ, vì sự an toàn của nhân dân.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện “Đề án khung cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ;” trong đó lưu ý rà soát, tính toán phương án sử dụng đất và dân số phù hợp với từng khu vực và toàn thành phố, vừa bảo đảm tuân thủ các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt, vừa đáp ứng tình hình thực tiễn của thành phố nói chung và từng khu vực nói riêng.
Cũng theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sớm đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ngoài ra, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu thành phố báo cáo các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 1.579 chung cư cũ, bao gồm 1.273 chung cư cũ thuộc 76 khu chung cư (trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên và 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2 ha) và 306 chung cư cũ độc lập.
Các chung cư cũ hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử. Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước; nhiều hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Cùng với đó, do không được duy tu bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí hư hại nặng, nguy hiểm an toàn kỹ thuật kết cấu công trình.
Tuy nhiên, đến nay Hà Nội mới chỉ cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư (trên 1%); kiểm định được 378 chung cư cũ và đánh giá phân loại theo các cấp độ nguy hiểm tăng dần A, B, C và D.
Hiện nay, cơ chế chính sách đang áp dụng là Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn nhiều vướng mắc, khó khăn về cơ chế chính sách, các chỉ tiêu dân số, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và xây dựng bị khống chế theo quy định và sự không thống nhất của các chủ sở hữu nhà chung cư dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện rất chậm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cuộc sống sinh hoạt và sự an toàn của hàng nghìn hộ dân.
Trước những tồn tại, vướng mắc đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, chỉ đạo các biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện và cho phép thành phố xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng, cấp bách này.