Chiều 7/7, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn TP.
Liên quan đến Nhóm vấn đề quản lý Quỹ nhà ở tái định cư, các đại biểu hỏi thực trạng quản lý căn hộ nhà tái định cư (TĐC) lỏng lẻo. Trong tổng số 1.999 toà nhà chung cư tái định cư với 17.957 căn hộ có tới 650 căn hộ vi phạm khi chưa ký hợp mua nhà đã vào ở; đồng thời đề nghị làm rõ giải pháp giải quyết dứt điểm tồn tại.
Số căn hộ tái định cư để trống còn nhiêu gây lãng phí tài sản, giải pháp khắc phục trách nhiệm của ai khi quỹ nhà chưa bàn giao đã xuống cấp. Xử lý vi phạm các hộ chiếm dụng diện tích nhà tái định cư? Hơn 15.000m2 tầng 1 được phép cho thuê ở nhà tái định cư bị bỏ trống không cho thuê lãng phí thì trách nhiệm của đơn vị quản lý đến đâu?
Trả lời chất vấn, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, quá trình triển khai công tác quản lý theo quy định TP cơ quan tiếp nhận căn hộ TĐC giao Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Việc quản lý, vận hành quỹ này trước đây Công ty cũng đã có vi phạm, bị thanh tra, điều tra và đã có bản án.
Trong tổng số 650 căn hộ vi phạm đã khắc phục được 396 căn, còn lại 254 căn. Về trách nhiệm của Sở, theo chỉ đaọ của UBND TP, Sở đã ban hành kế hoạch, quyết định thành lập tổ công tác đôn đốc Công ty trong việc xử lý vi phạm bố trí căn hộ TĐC, vừa qua đã thu hồi thêm 14 căn. Các hộ dân ở đây cũng đã ký hợp đồng, trả tiền, đang làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
“Thời gian tới Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị đôn đốc Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội tiếp tục rà soát và xử lý thu với các trường hợp chưa nộp. Theo kế hoạch của Công ty, năm 2022 sẽ xử lý cơ bản các trường hợp tồn tại này. Các trường hợp cố tình chây ì không nộp tiền, ký hợp đồng mua nhà và làm các thủ tục cấp Giấy chứng nhận, Sở Xây dựng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xác minh, làm rõ theo quy định”- ông Phong nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đối với 2 diện tích sử dụng sai tại 17 T10 Trung Hoà- Nhân Chính và N01 Láng Thượng, Sở Xây dựng cũng đã thiết lập hồ sơ trình UBND TP ra quyết định thu hồi. “Tuy nhiên, việc thu hồi 2 trường hợp này là khó khăn nên đang thiết lập các hồ sơ để trình UBND TP trong công tác cưỡng chế thu hồi”- lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.
Đối với diện tích hơn 15.000 m2 tầng 1 các nhà TĐC đang để trống và đề xuất phương án giá cho thuê, ông Phong cho biết, diện tích này hình thành từ các nguồn: đấu giá quyền thuê diện tích tầng 1 khônng thành công còn khoảng 4.800m2; thu hồi tại 28 điểm vi phạm theo bản án 183 năm 2019 với diện tích khoảng 5.500m2; thu hồi 13 vị trí nhà chung cư có vi phạm không nộp tiền thuê, sử dụng sai mục đích .
Tổng các diện tích này tại 118 điểm, trong đó 66 điểm cho thuê ổn định. Việc xác định giá cho thuê sẽ thực hiện sau khi gần kết thúc hợp đồng thuê sẽ thực hiện xác định giá để thực hiện đấu thầu cho thuê. 42 điểm còn lại, tháng 1/2022, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc xây dựng giá cho thuê trình TP ban hành Quyết định 470 ban hành giá cho thuê làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn đơn vị thuê. 10 điểm còn lại do Ban quản lý nhà ở cônng sở quản lý hiện đã xây dựng xong giá cho thuê trình UBND TP ban hành trong quý III năm 2022.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết thêm, Hà Nội có 17.957 căn hộ TĐC; phần lớn đã bán và bố trí cho các dự án GPMB, hiện còn 424 căn hộ trống chưa bố trí cho dự án nào. Đối với quỹ nhà trống, chưa có người vào ở.
"Liên quan các dự án bố trí thiếu vốn, triển khai thi công kéo dài nhiều năm, một trong những giải pháp là kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án, đảm bảo chất lượng công trình, đây là trách nhiệm của Sở Xây dựng"- ông Phong nói.
"Bên cạnh việc điều chỉnh quy trình bố trí tái định cư, giữa việc nhận tiền, nhận nhà, cần phải động viên, vận động người dân, có cách thức hỗ trợ đơn giản, hiệu quả"- Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.