Suốt 6 năm qua, các tuyến phố này gắn liền với danh xưng mà thoạt nghe đã liên tưởng ngay đến bộ mặt đại diện cho văn minh trật tự đô thị của thành phố.
Dù là thí điểm, nhưng rất khó để thông cảm cho sự hấp tấp, nếu không muốn gọi là cẩu thả, yếu kém năng lực của những người lập ra đề án thực hiện mô hình này.
Không cần đồng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng với các công trình xây dựng, cũng bỏ qua luôn quyền sở hữu trí tuệ về bản quyền biển quảng cáo, họ vẫn vội vã khoác lên các tuyến phố một bộ đồng phục khiên cưỡng và đầy tính hình thức. Đến nay, dù Hà Nội chưa chính thức thừa nhận, nhưng mô hình kiểu mẫu đã “chết yểu” trong mắt đa số thị dân.
Doanh thu sụt giảm, thương hiệu khó nhận diện, các hộ kinh doanh quay trở lại với những biển quảng cáo phù hợp với thị hiếu khách hàng. Sau một thời gian giữ gìn kỷ cương đường thông hè thoáng, các lực lượng xao nhãng dần, để lại khoảng trống cho các hoạt động “ký sinh” trên vỉa hè, dưới lòng đường, tiêu biểu là hàng quán, điểm trông giữ xe trái phép.
Dường như, “kiểu mẫu” trong mắt những người lập kế hoạch chỉ là trang hoàng đường phố đi kèm các kế hoạch ra quân nửa vời.
Dường như, chính quyền đô thị vẫn đang loay hoay, cố gắng dung hòa các lợi ích kinh tế (từ những người kinh doanh, những người có trách nhiệm xử lý vi phạm-gọi chung là lợi ích nhóm), với lợi ích cộng đồng (người đi bộ, đi xe đạp, người yếu thế, người sử dụng phương tiện công cộng, khách du lịch).
Dường như, không gian công cộng vẫn chưa được nhìn nhận ở vai trò quan trọng bậc nhất trong việc thiết lập nên một đô thị kiểu mẫu. Chúng vẫn đang bị ứng xử trái với công năng, phải “chia năm xẻ bảy” cho lợi ích kinh tế.
Phá sản các tuyến phố kiểu mẫu không khiến người dân phải ồ lên bất ngờ.
Cũng như việc không quá bất ngờ khi chỉ một đoạn vỉa hè có tới 4 sở, ngành quản lý, 6 lực lượng xử lý vi phạm, nhưng chưa có một cán bộ nào bị kỷ luật vì để xảy ra tái lấn chiếm vỉa hè.
Không ngạc nhiên khi các cao điểm lập lại văn minh trật tự đô thị diễn ra hết năm này sang năm khác nhưng theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, hăng hái lúc đầu, sau đó nhếch nhác lại hoàn nhếch nhác.
Sẽ là hạ thấp danh từ “kiểu mẫu” nếu chỉ áp dụng vào kế hoạch này các biện pháp tình thế, thiếu đột phá, thiếu tầm nhìn.
Thay vì tìm cách chia nhau từng m2 vỉa hè, lòng đường, phân ra từng khung giờ cho các nhóm đối tượng khác nhau khai thác, trục lợi, chính quyền thành phố hoàn toàn có thể giành lại các không gian công cộng này, quản lý chặt và biến chúng trở thành một công cụ thúc đẩy các chính sách đang bế tắc khác.
Khi công sản không còn dễ dàng bị đem đi cho thuê theo dạng chỉ định thầu với giá rẻ mạt, sẽ hạn chế được lợi ích nhóm.
Khi công sản không bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe, lượng xe khổng lồ không có chỗ đỗ sẽ là thị trường hấp dẫn buộc các nhà quản lý và các nhà đầu tư phải “vắt óc” để hình thành ngành công nghiệp đỗ xe đúng nghĩa.
Khi đường thông hè thoáng, người dân sẽ dần từ bỏ xe cá nhân, đến với phương tiện công cộng, thu hút thêm khách du lịch.
Số tiền vài chục tỷ đồng từ cho thuê vỉa hè, lòng đường hàng năm mà chính quyền Hà Nội thu không thể so sánh với những lợi ích hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng mà một đô thị kiểu mẫu đúng nghĩa có thể thu lợi được theo đúng tiềm năng của nó.
Hà Nội có thực sự muốn bứt phá, tiến tới văn minh, trật tự đô thị với một nguồn ngân sách lành mạnh, dồi dào, bền vững? Hãy nhìn vào cách chính quyền đô thị quyết tâm thế nào trong việc giành lại vỉa hè bị chiếm dụng, hãy nhìn vào những mô hình kiểu mẫu mà họ đang làm.
Hà Nội muốn trở thành một một hình mẫu thực thụ, hay chỉ là kiểu mẫu… “phong trào”?