Hàng tuần, anh Hoàng Xuân Hưng, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội phải đôi lần đưa người thân vào viện khám và điều trị. Tuy nhiên, điều anh lo lắng không phải là tình trạng sức khỏe của người bệnh mà là vấn đề gửi xe. Nhiều bệnh viện không có chỗ đỗ, anh phải ra ngoài gửi với giá rất cao. Nếu bị tính theo giờ thì số tiền phải trả càng lớn.
“Đến các bệnh viện tôi thường tốn nhiều thời gian tìm chỗ gửi xe vì trong viện không có nơi đỗ. Tìm chỗ gửi bên ngoài, phí đỗ xe tính theo giờ rất cao. Nếu gửi từ sáng đến chiều, phí lên tới vài trăm ngàn đồng”, anh Hưng bức xúc.
Tại các khu dân cư, tìm nơi đỗ xe, gửi xe từ lâu đã trở thành vấn đề khiến người dân đau đầu. Chị Hoàng Thu Minh, cư dân tòa nhà CT2CT, khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai cho biết, tan sở, chị thường xuyên lái xe về nhà trong trạng thái lo lắng hết chỗ đỗ xe.
“Những hôm tôi đi làm về muộn, chung cư nơi tôi ở hầu như không còn chỗ đỗ. Ra ngoài gửi, tôi phải đi bộ 1-2 km mới về đến nhà, mà chỗ đó cũng là nơi trông xe không được cấp phép”, chị Minh bày tỏ.
Không chỉ nội đô, áp lực về nơi đỗ xe đã lan ra khu vực ngoại thành. Ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì cho biết, đời sống, thu nhập của người dân tăng lên, việc sở hữu một chiếc ô tô để nâng cao chất lượng cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Chỉ bằng cảm nhận, ông có thể ước tính số lượng ô tô của người dân trên địa bàn xã tăng lên vài lần.
Trong khi đó, nơi gửi xe được cấp phép, đảm bảo an toàn lại rất ít. “Nhu cầu gửi xe cao nhưng người dân trong xã vẫn rất khăn trong việc tìm nơi gửi xe đảm bảo an toàn”, ông Lăng nêu thực tế.
Tại một số tuyến đường, con phố, ô tô đỗ chiếm tới 2/3 lòng đường
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện các loại, trong đó riêng ô tô là hơn 1 triệu chiếc và mỗi ngày Hà Nội vẫn có thêm khoảng 1.100 phương tiện các loại được đăng ký mới và đưa vào lưu thông.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng đây là “con số biết nói”. Để giảm áp lực về nơi đỗ xe, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn cần siết chặt công tác quản lý về quy hoạch, xây dựng. “Khi chính quyền, cơ quan chức năng quyết định cho xây chung cư thì phải quy định, yêu cầu họ xây bao nhiêu tầng hầm để chứa xe, chứ không thì họ trốn làm tầng hầm mà cứ xây cao lên”, ông Thanh kiến nghị.
Hà Nội đang thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, hiện chỉ đáp ứng 8-10% tổng số phương tiện của Thủ đô hiện có. Đây là bài toán khó. Nếu thiếu quyết tâm, quyết liệt và sự vào cuộc thiếu đồng bộ của các sở, ngành và chính quyền địa phương thì tình trạng này sẽ còn kéo dài.