Năm học 2023-2024, số lượng học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập là gần 105.000 em. Trong khi, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập chỉ khoảng 72.000. Kết quả 33.000 thí sinh thi trượt đã khiến Hà Nội thành “chảo lửa” khi trước một số cổng trường THPT dân lập và công lập tự chủ, phụ huynh xếp hàng từ đêm mong tìm một chỗ học cho con em mình .
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm sau, với những đứa trẻ lớp 9 lứa 2K9 của Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục cuộc đua khốc liệt. Bởi trong 3 năm tới, Thủ đô dự kiến sẽ tăng thêm 29.000 thí sinh. Điều này cho thấy tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ đăng ký học cho con hoàn toàn có khả năng lặp lại khi tình trạng thiếu trường lớp chưa thể cải thiện ngay.
Thực ra, tình trạng thiếu trường lớp ở các cấp học, bậc học của Hà Nội, trong đó có THPT không phải đến năm học này mới xảy ra. Tình trạng xếp hàng xin học này chỉ giống như “giọt nước tràn ly”.
Sai lầm từ trong quy hoạch xây dựng đô thị
Theo ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, Thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng, nguyên nhân bắt nguồn từ những sai lầm trong quy hoạch .
Năm 2002, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội – đơn vị trực thuộc Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (Sở Quy hoạch – Kiến trúc tiếp quản) đã lập và trình “Quy hoạch mạng lưới trường học thủ đô Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Quy hoạch này đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 05/2003/QĐ-UBND.
“Căn cứ tính ra diện tích đất xây trường học là dựa vào số dân, tương ứng 1.000 dân có 310 học sinh 4 cấp phổ thông và các cấp dạy nghề, cao đẳng, trẻ khuyết tật. Mỗi học sinh tùy theo cấp loại có diện tích đất xây trường theo quy chuẩn. Tuy nhiên, vì có những sai lầm trong tính toán và quản lý, tình trạng thiếu trường ở các cấp học, đặc biệt bậc THPT đã xảy ra ngày càng nặng nề”, ông Ánh phân tích.
Ông Ánh lấy quận Cầu Giấy làm ví dụ. Với diện tích hơn 1.200 ha, số dân năm 1997 là 9 vạn, lên đến 14 vạn người năm 2001. Quy hoạch căn cứ vào dân số hiện trạng năm 2002 vẫn là 9 vạn, số học sinh gần 2 vạn. Dự báo đến 2020, dân số tăng gần 15 vạn, có hơn 4 vạn học sinh. Quy hoạch gần 60 ha đất xây trường thời điểm đó đã được cho là thừa. Vậy nên quỹ đất được phân cho các mục đích khác nhau như làm nhà ở chia lô, cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn nhà hàng, trụ sở công ty.
Thực tế năm 2008, dân số Cầu Giấy đã trên 20 vạn, số học sinh 4 cấp gần 5 vạn cháu. Chưa qua nửa thời gian, đã thiếu hàng chục ha, tính đến năm 2020 thì đất xây trường thiếu gấp đôi.
"Đất xây trường không có, nhưng lại thừa đất để thỏa thuận, giới thiệu cho các doanh nghiệp khai thác bất động sản, mua đi bán lại đã đành, còn thừa hàng trăm ha đất bỏ hoang, đắp chiếu 20 năm qua", ông Ánh nhận xét.
Ông Ánh cho rằng, trong các quận nội thành, chỉ Cầu Giấy sớm nhận thức những sai lầm trong quy hoạch. Tuy nhiên, việc sửa sai đã chất chồng khó khăn và cũng bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở các cấp học.
“Đặc biệt là quận Hoàng Mai chúng ta biết rằng, các chủ đầu tư chỉ xây nhà để bán còn trường học thiếu khủng khiếp. Đỉnh điểm là từ bậc học mầm non đến THPT phụ huynh phải giành giật để có chỗ ngồi học cho con em mình”, vị KTS này không nén được tiếng thở dài khi chia sẻ.
Về mặt quy hoạch đô thị, khi xây dựng đều phải tuân theo các quy chuẩn về mật độ dân cư, diện tích dành cho cư dân, diện tích cơ sở hạ tầng, nơi công cộng, trường học, cơ sở y tế là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, trên thực tế, khi điều chỉnh quy hoạch thường khiến mật độ, quy mô dân cư tăng lên, trong khi đó hạ tầng về giáo dục, y tế lại không điều chỉnh tăng tương ứng. Thậm chí, khi điều chỉnh quy hoạch lại thu hẹp diện tích hoặc dịch chuyển vị trí các khu vực xây dựng trường học, dẫn đến mất cân đối. Vì vậy ngoại việc xem xét lại quy hoạch thì mấu chốt của vấn đề phụ thuộc vào khâu quản lý quy hoạch và tiến hành đầu tư đúng theo quy hoạch đã phê duyệt.
“Không ít chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây nhà để bán, đầu tư khu vực thương mại sinh lợi nhuận, các công trình như trường học lại không được quan tâm dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp tại các khu vực có nhiều chung cư, khu đô thị. Hay khi điều chỉnh quy hoạch, trước đây chỉ có 5 tòa chung cư, nhưng khi xây thêm 5 tòa khác, quy mô dân số tăng gấp đôi nhưng cũng không tăng thêm diện tích đất cho trường học, đương nhiên sẽ làm mất cân đối, thậm chí có những nơi khi điều chỉnh quy hoạch thì chuyển luôn cả trường học sang vị trí khác”, ông Cường phân tích thực tế diễn ra ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Sai lầm ngay từ khâu quy hoạch đất xây trường học, trong đảm bảo xây dựng theo quy hoạch đã dẫn đến thiếu trường lớp học tại Thủ đô. Ngoài ra, việc phân luồng học sinh mang tính cơ học, không lường hết được các yếu tố tâm lý, nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng của học sinh, phụ huynh ở thủ đô ngàn năm văn hiến, cũng như nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác… đã dẫn đến việc thiếu trường lớp học, nhất là bậc THPT ở Hà Nội ngày càng trầm trọng.
Khu vực nội đô nhiều năm không có thêm trường THPT công lập xây mới
Đối với cấp học THPT, trong nhiều năm, khu vực nội thành hầu như không có thêm trường THPT công lập nào được xây dựng. Thế nhưng, tại buổi chất vấn HĐND TP Hà Nội chiều 5/7/2023, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại cho rằng “Thủ đô không thiếu trường học”.
Lời khẳng định này có thể dựa trên cách tính toán tổng số học sinh bao gồm cả nội thành và ngoại thành trên tổng số trường (bao gồm cả tư thục và GDTX), cũng như căn cứ theo định hướng phân luồng sau THCS.
Nhưng đối với những phụ huynh đang lo lắng, búc xúc phải chạy đôn, chạy đáo để kiếm một suất học lớp 10 cho con thì lời khẳng định này như “lửa đổ thêm dầu”. Bởi các cháu ở các quận trung tâm thiếu trường lớp chả lẽ lại về các huyện vùng xa của thủ đô cách nhà mấy chục cây số để theo học THPT?
Tư vấn học nghề hướng nghiệp cho học sinh, đừng chờ đến năm cuối cấp
Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Hà Nội, đến năm 2025 phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Đồng thời có ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. (Kế hoạch 219/ KH-UBND-2018).
Việc thắt chặt đầu vào đối với các trường THPT công lập còn có mục tiêu phân luồng học sinh sang hướng học nghề. Tuy nhiên, việc dạy học, tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện nay mới chỉ hướng mục tiêu luyện thi để học sinh đỗ vào trường THPT thay vì 30% sẽ rẽ sang học nghề một cách chủ động và có lựa chọn phù hợp. Việc một số trường ép học sinh cam kết từ bỏ đăng kí tham dự kì thi tuyển sinh vào 10, nhằm giảm tỷ lệ thí sinh thi trượt của nhà trường là cách hướng nghiệp phản cảm và gây phản ứng dữ dội trong dư luận xã hội.
Hơn thế, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, chuyện chọn học nghề kể cả theo mô hình 9+ cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có thể đúng hướng và đáp ứng nguyện vọng với học sinh ở nhiều địa phương khác, đặc biệt địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa. Nhưng với Hà Nội và nhiều thành phố lớn, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao nên có thể mô hình này chưa thực sự phù hợp cả về tâm lý phụ huynh học sinh lẫn đòi hỏi yêu cầu về nguồn lao động chất lượng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần xem lại mục tiêu phân luồng đối với học sinh tại Hà Nội. Bởi lẽ khi các điều kiện chưa đảm bảo, phụ huynh sẽ không lựa chọn hoặc học nghề chỉ xem như “bước đường cùng”. Điểm mấu chốt trong phân luồng học sinh học nghề nằm ở việc đáp ứng nhu cầu có một công việc để tự tin bước vào đời thay vì ép buộc.
Nhiều phụ huynh học sinh cho rằng, công dân của Hà Nội có thể ở chật chội, tham gia thông vất vả hơn ở các địa phương, nhưng việc tiếp cận học tập cần phải được ưu tiên hàng đầu. Những thế hệ trong thời kỳ chiến tranh sơ tán, thậm chí lúc kinh tế khó khăn cũng không bị thất học. Thế nên, khi đất nước phát triển, kinh tế Thủ đô tăng trưởng cũng như chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư cho các thế hệ tương lai đất nước phát triển thì được hưởng giáo dục công lập là quyền của các em, nhất là những em con nhà nghèo, khó khăn không có điều kiện học tư thục.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 có nêu khâu đột phá, đó là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội”.
Bước đột phá này liệu có thành hiện thực khi chỗ học cho học sinh các cấp, trong đó có cấp THPT còn chưa đảm bảo? Lời giải nào cho bài toán thiếu trường, thiếu lớp cho các cấp học, đặc biệt bậc THPT ở Hà Nội? Một câu hỏi thực sự khó, nhưng không phải không có giải pháp.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023 của ngành giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu nhấn mạnh: Hà Nội cố gắng làm sao năm học mới dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng đi nộp hồ sơ và đăng ký nguyện vọng cho con. "Thời đại của công nghệ số, của quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước mà còn để thế thì không nên chút nào”, ông Nguyễn Kim Sơn nói.
Trong 3 năm tới, số học sinh tốt nghiệp THCS sẽ tăng 29.000 em. Và theo như số liệu mới nhất từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, học sinh các lớp đầu cấp đều tăng, đặc biệt học sinh lớp 6. Cụ thể toàn thành phố có hơn 188.000 em, tăng hơn 38.500 em. Có nghĩa rằng nếu không có những giải pháp ngắn hạn, cũng như giải pháp căn cơ, việc xếp hàng tranh giành suất học cho con em mình ở cổng trường sẽ còn tái diễn.