Hà Nội cần tiếp tục ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho...
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã yêu cầu như trên tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội sáng 15-4 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội quý I, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II và những tháng cuối năm 2014.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu trình bày, quý I/2014, kinh tế Hà Nội tiếp tục duy trì tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 6,6%. Đây là mức tăng trưởng khá song thấp hơn cùng kỳ nhiều năm.
Tổng huy động vốn đầu tư xã hội của Thành phố ước đạt 54.330 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký dự kiến đạt 150 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2013; thu ngân sách của Thành phố ước thực hiện 30.316 tỷ đồng, đạt 24% dự toán, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Công tác kiểm soát giá cả thị trường tiếp tục được thực hiện tốt. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân về mức tăng trưởng kinh tế của TP. Hà Nội quý I thấp hơn cùng kỳ nhiều năm.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng thấp, 7 giải pháp của Thành phố đã đi vào cuộc sống, nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều mặt hàng tồn kho lớn, nhất là nhóm hàng vật liệu xây dựng như gốm sứ, sắt thép…
Ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố, cho biết quý I năm nay có tín hiệu tích cực của cộng đồng DN với 3.400 DN thành lập mới, tăng gần 10% so với cùng kỳ, số DN ngừng, nghỉ hoạt động giảm 5% so với cùng kỳ. Việc kê khai thuế VAT cũng tăng lên, khoảng trên 2% (600-700 tỷ), thu nhập DN tăng lên, chủ yếu là nhóm viễn thông, tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, tình hình nợ đọng vẫn chưa có xu hướng giảm, trong đó có nợ xây dựng cơ bản.
Cùng với đó là những tồn tại, hạn chế như tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; các lĩnh vực như thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, nông nghiệp, vốn đầu tư xã hội kết quả đạt còn thấp; dư nợ tín dụng có dấu hiệu giảm, ứ đọng vốn, tỷ lệ nợ xấu có nguy cơ tăng cao trở lại. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN về tài chính nhưng hiệu quả chưa rõ nét.
Từ tình hình trên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị các sở, ban, ngành Thành phố cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh cho DN, song song với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát DN theo kỷ cương, pháp luật. Thông qua đó, thúc đẩy các DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu DN Nhà nước; quan tâm đến công ăn việc làm cho người lao động dôi dư.
Đánh giá về tình hình kinh tế quý I, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định Thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế hợp lý, kiểm soát được lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Bí thư Thành ủy biểu dương sự chỉ đạo khẩn trương, tập trung, kịp thời của Ban Cán sự Đảng Thành phố. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, các cấp, các ngành, chính quyền quận, huyện, thị xã đã có những giải pháp triển khai đồng bộ, rõ nét nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Về các nhiệm vụ trọng tâm quý II, Bí thư Thành ủy đề nghị Thành phố cần tập trung tối đa cho việc tháo gỡ khó khăn của DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong đó cần tập trung các giải pháp hỗ trợ về vốn; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN.