Trong khi đó, hạ tầng giao thông khu này gần như “đứng hình” trong nhiều năm qua.
Điểm nghẽn thường xuyên
Một trong những điểm giao thông thường xuyên bị ùn ứ là cầu vượt Nguyễn Văn Linh - quốc lộ (QL) 1A. Đây là nút giao thông trọng yếu kết nối vào cao tốc TPHCM - Trung Lương và QL1A.
Hầu hết phương tiện giao thông về các tỉnh Tây Nam bộ đều phải qua nút giao này để lên đường cao tốc hoặc đi hướng QL1A. Mỗi ngày có đến hàng chục ngàn phương tiện đi lại nhưng mặt đường QL1A, đoạn từ nút giao An Lạc đến vòng xoay cầu vượt Nguyễn Văn Linh, vừa xuống cấp vừa hẹp khiến giao thông khu vực này vốn quá tải nay càng rối loạn. Đoạn đường chỉ vài cây số nhưng có nhiều điểm thắt cổ chai, giờ cao điểm xe máy, xe tải xếp hàng dài chen nhau di chuyển.
Thậm chí, nhiều người chạy xe gắn máy bất chấp nguy hiểm lấn sang làn đường của ô tô, xe tải. Anh Trần Thanh Liêm, ngụ gần chân cầu Bình Điền trên QL1A, cho biết, từ cầu Bình Điền đến cầu vượt Nguyễn Văn Linh dài chưa tới 1km mà ngày nào cũng kẹt xe, đậm đặc khói xe và bụi. Rất nhiều người đưa đón con em đi học qua đoạn đường này luôn nơm nớp lo tai nạn xảy ra.
Trước đây, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông đoạn đường trên, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) đề xuất đầu tư và đã làm báo cáo khả thi dự án BOT cải tạo nâng cấp QL1A đoạn An Sương - An Lạc (quận 12, Bình Tân và huyện Hóc Môn) rộng 23,5 - 25m lên 35m cho 4 làn ô tô (vận tốc 80km/giờ) và 2 làn xe hỗn hợp lưu thông (vận tốc 60km/giờ). Trong đó, chủ yếu thực hiện công trình mở rộng QL1A trên địa bàn huyện Bình Chánh đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An dài hơn 9,6km. Tổng mức đầu tư dự án thời điểm đó (năm 2015) là 1.886 tỷ đồng, trong đó, phần đền bù giải tỏa là 1.258 tỷ đồng. Tuy nhiên do nhiều vấn đề nên dự án án binh bất động đến nay.
Không chỉ có đoạn trên, hiện khu vực cửa ngõ phía Tây còn nhiều tuyến đường nhỏ hẹp không đáp ứng được lượng phương tiện lưu thông ngày càng lớn. Điển hình như trên QL1A (đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An), QL50 (đoạn từ cầu giáp ranh quận 8 đến cầu ông Thìn, xã Đa Phước), đường Đinh Đức Thiện (đoạn từ QL1A đến giáp ranh tỉnh Long An), giao lộ giữa đường Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh (huyện Bình Chánh)... không chỉ là các điểm đen về tai nạn giao thông mà còn thường xuyên bị ùn ứ.
Mới đây, TP đã chỉ đạo, trước mắt, nếu không có giải pháp giải quyết bài toán giao thông thì chưa cho đầu tư một số dự án nhà cao tầng.
Cải tạo, xây mới khoảng 100km đường
Theo huyện Bình Chánh, trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường liên tỉnh giữa TPHCM và Long An chưa thống nhất được việc đầu tư nên huyện Bình Chánh rất mong thành phố quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển cửa ngõ phía Tây, kết nối với tỉnh Long An cũng như các khu vực khác trên địa bàn TP.
Trong khả năng của mình, huyện sẽ tập trung đầu tư cho giao thông đối ngoại, thông qua các dự án đầu tư mới đồng thời nâng cấp mở rộng các tuyến trục kết hợp đầu tư tuyến song hành, tuyến tránh. Trong đó, tập trung đầu tư các nhóm tuyến kết nối. Điển hình, kết nối huyện Bình Chánh với tỉnh Long An có các dự án như cải tạo nâng cấp QL1A (đoạn giáp Bến Lức, Long An), QL50, đường Trần Văn Giàu, cầu kênh Xáng nối KCN Đức Hòa, đường Tây Bắc… Từ nay đến năm 2025, huyện đề xuất đầu tư nâng cấp, mở rộng khoảng 30 công trình, đầu tư xây dựng mới 31 công trình. Tổng chiều dài tất cả tuyến đường khoảng 86km.
Ở góc độ thành phố, Sở GTVT TPHCM cho hay, hiện TP đang giao Sở GTVT xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Đề án bao gồm danh mục các công trình dự kiến đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 phát triển trên cả 4 khu vực cửa ngõ của TP. Đặc biệt, khu vực phía Tây sẽ được ưu tiên với các dự án như nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua huyện Bình Chánh để kết nối với tỉnh Long An cũng như các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, đường kết nối từ Nguyễn Văn Linh đi vào cao tốc TPHCM - Trung Lương hiện đang xuống cấp, sẽ có giải pháp nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn ứ, kẹt xe.