Mực nhảy Vũng Áng tươi rói được vớt lên từ dưới nước biển trong lồng bè
>> Clip: Mực nhảy Vũng Áng tại các nhà hàng nổi thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi:
Từ hàng chục năm nay, "đặc sản" hải sản mực nhảy Vũng Áng đã tạo được thương hiệu tại Hà Tĩnh. Mùa mực nhảy Vũng Áng thường bắt đầu từ giữa tháng 3 đến hết tháng 7 âm lịch hàng năm. Những con mực tươi sống được người dân lành nghề đi câu trong đêm, thả nuôi vào khoang thuyền có trữ sẵn nước biển rồi đem về bán cho các chủ nhà hàng nổi kinh doanh hải sản ở bên bờ biển thuộc địa bàn thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Sau đó, mực tiếp tục được thả nuôi dưới nước biển trong các lồng bè có quây lưới xung quanh. Mực sống và bơi tung tăng qua lại trong lồng bè như lúc đang ở ngoài khơi.
Khi du khách đến thưởng thức món mực nhảy Vũng Áng, các nhà hàng nổi này sẽ dùng chiếc vợt dài vớt lên từng mớ mực tươi sống đang bơi lội từ dưới nước biển trong lồng bè (số lượng tùy khách lựa chọn). Mực nhảy được cho vào các vật chứa vẫn còn bật nhảy tanh tách. Mực rửa sạch, sau đó được chế biến thành các món ăn khoái khẩu theo yêu cầu của du khách.
Để cảm nhận được hương vị tươi ngon của mực nhảy Vũng Áng, du khách đến các nhà hàng nổi Vũng Áng thường chọn món mực làm gỏi sống, mực luộc hoặc hấp nguyên con... Gia vị ăn kèm không thể thiếu là xì dầu mù tạt, lá lấu, rau sống, nước mắm…
Mực nhảy Vũng Áng bơi tung tăng trong các lồng bè dưới nước biển
Mặc dù giá mực nhảy Vũng Áng hiện nay khá cao, dao động từ 600.000 - 700.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến trên 700.000 - 800.000 đồng/kg, nhưng vẫn có rất đông du khách trong và ngoài tỉnh về các nhà hàng nổi ở thôn Hải Phong để thưởng thức. Thậm chí nhiều du khách còn chủ động gọi điện liên hệ đặt bàn, đặt mực nhảy Vũng Áng từ trước vì sợ hết hàng.
Vào các dịp nghỉ lễ, ngày cuối tuần, tại các nhà hàng nổi này có nhiều thời điểm “cháy hàng” mực nhảy Vũng Áng. Chủ nhà hàng phải tăng cường thêm số lượng để kịp thời, chủ động phục vụ du khách.
Thời gian gần đây, số lượng du khách trong và ngoài tỉnh đến các nhà hàng nổi thôn Hải Phong để thưởng thức hải sản rất đông, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, ngày cuối tuần. So với mấy năm trước thì năm nay mặc dù mới đầu mùa du lịch nhưng du khách đông hơn rất nhiều. Theo dự báo, trong những ngày tới, số lượng du khách về đây sẽ còn tiếp tục tăng lên, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Cũng theo ông Chu Văn Quang, nhiều nhà hàng nổi tại thôn Hải Phong tiêu thụ được khoảng 30-50kg mực/ngày, ít thì từ 5-10kg/ngày. Ngoài mực nhảy Vũng Áng, nơi đây còn tiêu thụ được nhiều loại hải sản khác như: ghẹ, cua biển, tôm hùm, tép và cá các loại… Việc tiêu thụ thuận lợi, được giá, đây thực sự là tín hiệu vui, đáng mừng cho các chủ nhà hàng nổi, bởi sau thời gian dài vừa qua họ gặp nhiều khó khăn, vắng khách, giảm thu nhập do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19.
Hà Tĩnh là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, bờ biển dài, ngư trường rộng lớn, nguồn tài nguyên biển phong phú với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Một trong số đó là mực nhảy (hay còn gọi là mực nháy) Vũng Áng. Mực nhảy Vũng Áng được người dân địa phương đặt tên cho những con mực được bắt từ biển khơi đang còn tươi sống, khi bỏ vào chậu vẫn còn bật nhảy tanh tách, thân mực óng ánh, mắt mực nhấp nháy liên tục... Mực nhảy Vũng Áng có hương vị rất đặc trưng là thịt dẻo, đậm, hậu vị ngọt và tươi, thơm ngon hơn mực ở những vùng biển khác. Du khách đến đây thưởng thức một lần là sẽ nhớ mãi. Việc kinh doanh hàng hải sản, đặc biệt là mực nhảy Vũng Áng tại các nhà hàng nổi thôn Hải Phong không những giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân mà còn góp phần quảng bá, thu hút, kết nối, phát triển du lịch của địa phương. |
>> Một số hình ảnh khu vực nhà hàng nổi và mực nhảy Vũng Áng: