Japan Airlines công bố lợi nhuận ròng 9 tháng cuối năm 2011 đạt 146 tỷ yen (1,92 tỷ USD). Có thể nói đây là thành tích đáng kể bởi chỉ mới 2 năm trước hãng này phải nộp đơn phá sản với khoản nợ hơn 2.320 tỷ yen, nhận trợ giúp của chính phủ và trải qua cuộc tái cấu trúc do tòa án giám sát vào tháng 3-2011.
Thành lập năm 1951 và trở thành hãng hàng không quốc gia của Nhật Bản vào năm 1953, được tư nhân hóa năm 1987, Japan Airlines (JAL) là một trong những hãng bay hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, người khổng lồ JAL đã gục ngã và phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong năm 2010, ghi dấu vụ phá sản quy mô lớn và gây chấn động nước Nhật.
Thất bại của JAL có thể tóm tắt trong 3 nguyên do chính. Thứ nhất, với truyền thống thuê mướn nhân viên đến hết đời, JAL đã cung cấp lương hưu và hỗ trợ suốt đời cho tất cả các nhân viên, tức chi tiền cho những người hiện không còn làm việc tại JAL, điều này đội chi phí hoạt động lên.
Thứ hai, cuộc suy thoái toàn cầu ảnh hưởng nặng nề tới JAL vì số người sẵn lòng và đủ khả năng mua các dịch vụ của JAL sụt giảm nghiêm trọng. Thứ ba, nhiều quan chức đầu tỉnh đã hứa hẹn xây dựng sân bay ở địa phương để người dân đi lại thuận tiện, vậy là JAL phải lãnh nhiệm vụ “phủ sóng” những sân bay nhỏ ở khắp Nhật Bản.
Điều này thoạt đầu nghe có vẻ tốt vì JAL được cơ hội mở rộng mạng lưới đường bay, nhưng thực tế đã phát sinh những chuyến bay trống vắng hành khách, dẫn tới một sự lãng phí lớn gây lỗ hơn là mang đến lợi nhuận.
Giữa tháng 1-2012, JAL giới thiệu chiếc máy bay mang chủ đề “Hellosmile”. |
Để có thể hồi phục, JAL đã nỗ lực thực hiện cuộc tái cấu trúc dưới sự giám sát của tòa án nhằm cắt giảm chi phí tối đa. Đầu tiên, JAL cắt giảm 16.000 việc làm trên toàn thế giới, hủy bỏ gần 39/148 đường bay nội địa và 10/75 đường bay quốc tế, cho nằm ụ hơn 100 phi cơ, lương hưu nhân viên cũng bị tiết giảm.
Tiếp theo, JAL phải vượt qua những thách thức lớn như tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá nhiên liệu tăng cao và sự cạnh tranh của các hãng hàng không đối thủ. Người cầm lái JAL vượt cơn giông bão chính là ông Kazuo Inamori, một doanh nhân 77 tuổi rất được kính nể bởi tài lãnh đạo, tầm nhìn toàn cầu và khả năng xoay chuyển tình thế, ông cũng là người đã sáng lập hãng Kyocera và KDDI.
Dưới sự lãnh đạo của ông, JAL tăng cường thiết lập những mối liên minh với các hãng hàng không nước ngoài và ký kết những thỏa thuận bay chung. Bên cạnh đó, JAL trở lại với biểu tượng con hạc đỏ Tsurumaru, thúc giục tất cả nhân viên phải có thái độ tích cực hơn nữa với các “thượng đế” để bảo đảm duy trì chất lượng dịch vụ tốt hơn các hãng đối thủ.
JAL dự báo nhu cầu hàng hóa, dịch vụ toàn cầu sẽ hồi phục, giúp gia tăng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không và JAL nhắm mục tiêu dẫn đầu thị trường như đã từng chiếm lĩnh 2/3 thị trường vận tải hàng hóa hàng không Nhật Bản trong quá khứ.
Để đối phó với giá nhiên liệu diễn biến thất thường, JAL lập kế hoạch thay thế những chiếc phi cơ cỡ lớn bằng những chiếc phi cơ nhỏ có sức chứa và tầm bay phù hợp nhu cầu của đường bay, giúp tiết giảm nhiên liệu, giảm chi phí hoạt động. Khi lượng hành khách du lịch đến Thái Lan sụt giảm vì nước này bị lũ lụt, JAL đã linh hoạt tăng các chuyến bay để đưa khách sang Delhi (Ấn Độ).
Những nỗ lực vượt bậc của JAL cùng với sự nâng đỡ của đồng yen mạnh đã giúp hãng hồi phục. Đầu tháng 2 này, JAL loan báo tin vui: trong 9 tháng cuối năm 2011 đã đạt tổng doanh thu 909 tỷ yen, lợi nhuận hoạt động 162 tỷ yen và lợi nhuận ròng 146 tỷ yen (1,92 tỷ USD).
Trên cơ sở đó, JAL nâng cấp dự báo lợi nhuận ròng cả năm tài chính tính đến tháng 3-2012 đạt 2,1 tỷ USD. Nói tóm lại, JAL đã nhiều năm dẫn đầu thị trường hàng không châu Á và đang chứng tỏ có đủ tiềm năng khôi phục vị trí này.