Hai cái sai không thể làm nên một cái đúng

(ĐTTCO) - Báo cáo mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhận định, thiếu vốn đặt các doanh nghiệp (DN), nhất là DN tư nhân, vào tình thế cấp bách, nhiều DN lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu (TP) trước hạn nên càng gặp khó khăn hơn về vốn. 
Hai cái sai không thể làm nên một cái đúng
Như thường lệ, ngành ngân hàng (NH) lại được đề xuất phải gồng gánh nặng này bằng biện pháp “cho phép các NHTM trong nước tham gia mua lại các TP sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường”. Bởi lẽ, lượng TP sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty
Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, xét một cách kỹ lưỡng, có thể nhận thấy đây là đề xuất không logic, thiếu tính khả thi, chứa đựng những rủi ro vô cùng lớn cho hệ thống NH, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV và siêu nhỏ. Nó cũng khiến những cổ đông NH và người gửi tiền lo lắng.
Đầu tiên, nói một cách sòng phẳng, về cả phương diện quy định pháp luật hay thị trường, SCIC, DATC, VAMC không có nghĩa vụ phải mua lại lượng TP đã được các DN phát hành mà không đảm bảo được nghĩa vụ thanh toán khi đáo hạn. Việc xử lý TP đáo hạn mà DN không đảm bảo khả năng thanh toán sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật và theo đúng các quy định của thị trường. Thị trường sẽ có tiếng nói quyết định và hợp lý nhất về cách thức xử lý các TPDN đáo hạn như thế nào. 
 Từ góc độ thị trường, giả định đề xuất này được chấp thuận, hệ thống NH chưa chắc đã mua, vì ai cũng biết TP hiện giờ là các “hòn than nóng”, ai cũng muốn chuyển nó cho người sở hữu tiếp theo. Câu hỏi đặt ra, nếu mua theo cơ chế xử lý nợ xấu như cơ chế áp dụng của VAMC, liệu người sở hữu TP sẵn sàng chuyển giao cho NH với giá chỉ bằng một phần của mệnh giá hiện tại của TPDN? Khả năng này khó xảy ra.
Chưa kể đến các quy định về tỷ lệ được phép đầu tư TPDN, việc mua lại các TP này khiến tài sản có rủi ro của các NHTM gia tăng, từ đó tăng chi phí huy động, tăng chi phí cho vay của NH. Nó cũng khiến nợ xấu của NH tăng đột biến nếu NH mua TP đáo hạn của DN phát hành. Bởi lẽ DN không thể thực hiện nghĩa vụ về trả lãi và gốc liên quan tới TP đó, vì tài sản này không thể được coi là nợ xấu ngay từ khi được mua.
Điều này khiến người gửi tiền lo lắng tiền gửi của họ có thể được sử dụng để mua các tài sản có nhiều rủi ro, cũng như để cứu một số DN đã không cẩn trọng khi huy động, không cân đối tính toán đầy đủ dòng tiền của mình, không sử dụng hiệu quả nguồn huy động từ TP của mình. Nó cũng thực sự khiến các cổ đông NH lo lắng. 
Đề xuất này sẽ chỉ hướng tới giải quyết vấn đề của một số DN lớn và vô tình sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận tín dụng của các DNNVV và siêu nhỏ. TPDN phần lớn được phát hành bởi các DN tư nhân lớn. Nếu thực hiện theo biện pháp này, vô hình trung các DN tư nhân lớn bằng một cơ chế ưu đãi đặc biệt và chưa có tiền lệ, được cấp thêm hạn mức tín dụng đặc biệt tương ứng với số tiền NH đã bỏ ra để mua TP đáo hạn mà DN không thể tôn trọng cam kết trả nợ. 
Điều này khiến khoảng trống còn lại trong hạn mức tín dụng cho phép để các tổ chức tín dụng cho vay với các DN nhỏ, siêu nhỏ, người tiêu dùng càng chật hẹp hơn, do yêu cầu về khống chế mức tăng trường tín dụng để kiềm chế lạm phát.  Các DNNVV và siêu nhỏ như vậy lại chịu thiệt thòi hơn so với DN lớn, gây bất bình đẳng giữa một số DN tư nhân lớn và DN nhỏ, hộ kinh doanh và các đối tượng khác trong nền kinh tế. Hơn nữa, nó tạo ra một khuyến khích sai lầm là bảo vệ hay thưởng cho một hành vi sai (không tôn trọng được nghĩa vụ trả nợ TP) của một số DN.   
Hai cái sai không thể làm nên một cái đúng. Việc tháo gỡ các khó khăn cho các DN để hỗ trợ họ tôn trọng những cam kết của họ với các trái chủ là cần thiết. Nhưng không thể bằng cách chuyển “hòn than nóng” này sang hệ thống NH, gây rủi ro thêm cho hệ thống, tạo thêm nỗi bất an cho người gửi tiền, các cổ đông của các tổ chức tín dụng, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa DN lớn và DN nhỏ, siêu nhỏ trong tiếp cận tín dụng, tiếp cận vốn trên thị trường.  

Các tin khác