![]() |
Theo Nghị định 25 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, từ ngày 1-6-2011, một tổ chức hoặc cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác.
Sẽ không có vấn đề gì lớn với quy định này, nếu như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đang không sở hữu cùng lúc 2 mạng viễn thông lớn là MobiFone và VinaPhone. Có nghĩa là theo quy định của Nghị định 25, VNPT sẽ phải thoái vốn ở 1 trong 2 doanh nghiệp viễn thông - được coi là “mỏ vàng” lợi nhuận của tập đoàn này.
Trong bối cảnh kế hoạch cổ phần hóa MobiFone bị trì hoãn trong nhiều năm qua, nhiều người hy vọng đây là thời điểm để đẩy nhanh tiến trình này.
đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp (cơ quan chủ quản của VNPT) tuyên bố trong năm 2011, MobiFone bắt buộc phải thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có động thái nào cho thấy việc này được thực thi.
Có nhiều lý do khiến MobiFone khó tiến hành cổ phần hóa. Đó là thị trường chứng khoán đang diễn biến không tốt, trong khi giá trị của mạng viễn thông này được đánh giá lên đến vài tỷ USD. Nếu IPO ở thời điểm này sẽ khó bảo đảm được giá trị vốn nhà nước.
Mặt khác, thời điểm 1-6 đã cận kề, nên chắc chắn không thể cổ phần hóa MobiFone đúng hạn này được. Chẳng phải ngẫu nhiên VNPT nhùng nhằng chuyện cổ phần hóa MobiFone trong mấy năm qua, bởi năm 2010 mạng viễn thông này đạt doanh thu tới 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 6.000 tỷ đồng - chiếm 52,32% tổng lợi nhuận VNPT.
Mới đây, một phó tổng giám đốc VNPT cho biết tiến trình cổ phần hóa MobiFone vẫn đang được triển khai. Tuy nhiên, MobiFone có giá trị doanh nghiệp rất lớn là tài sản của Nhà nước, nên Nhà nước phải hết sức thận trọng trong quá trình chỉ đạo.
Bởi quan điểm của Nhà nước đối với cổ phần hóa của MobiFone là Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối. Rõ ràng việc thực hiện đúng quy định của Nghị định 25 xem ra là thế khó cho VNPT.
Hiện nay VNPT đã trình Chính phủ 3 phương án: sáp nhập 2 mạng di động MobiFone và VinaPhone; cổ phần hóa MobiFone nhưng có lộ trình để thoái vốn tại doanh nghiệp này xuống còn 20%; cổ phần hóa toàn bộ VNPT. Trong đó, VNPT có vẻ nghiêng nhiều về phương án sáp nhập, bởi sẽ không phải thoái vốn và vẫn giữ được 2 “mỏ vàng”.
Về phương án cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn, VNPT cũng tính đến như kế hoãn binh, bởi theo cách này cần một lộ trình khá dài. Tuy nhiên các phương án VNPT đưa ra, có ý kiến cho rằng mới chỉ tính đến lợi ích của doanh nghiệp. Thí dụ, phương án sáp nhập không những không tái cơ cấu ngành viễn thông di động mà còn là bước lùi dài: tăng cường sức mạnh độc quyền của VNPT mà bao năm nay chúng ta cố gắng xóa bỏ.
Hiện nay, thị trường thông tin di động đang ở thế chân vạc: Viettel-MobiFone-VinaPhone. Nếu sáp nhập MobiFone và VinaPhone sẽ tạo ra một công ty có thị phần 50-60%, có hại cho cạnh tranh, kéo theo không có lợi cho lợi ích người tiêu dùng.
Thời điểm hiện nay, dù thị trường chứng khoán đang khó khăn, nhưng cổ phần hóa MobiFone sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn là mức giá bán. Thứ nhất, tạo lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình cải cách tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Thứ hai, việc cổ phần hóa đi kèm với bổ sung đối tác chiến lược lớn có tiềm lực về công nghệ, quản lý, tài chính… giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh. Thứ ba, với thị trường viễn thông, cổ phần hóa MobiFone cũng thúc đẩy mạnh hơn sức ép cạnh tranh với tất cả các doanh nghiệp và điều này sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho người tiêu dùng.
Phương án cuối cùng để xử lý vấn đề sở hữu các mạng di động của VNPT sẽ được Chính phủ quyết định. Lựa chọn lợi ích nào để có giải pháp phù hợp là bài toán cần được giải sớm trước thời điểm 1-6-2011.
Vấn đề đặt ra, tháng 6-2009 khi trình dự án Luật Viễn thông ra Quốc hội, Chính phủ đã nhấn mạnh mục tiêu của luật này là tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh viễn thông trong môi trường bình đẳng, công bằng, minh bạch.