Hạn chế phương tiện: Kết hợp giải pháp tĩnh và động

(ĐTTCO)- Ùn tắc ở Hà Nội đã đến mức độ không thể chấp nhận nổi. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Sở GTVT Hà Nội tái đề xuất phương án thu phí phương tiện cơ giới ra vào nội thành. Tuy nhiên, không dễ để tổ chức các giải pháp kỹ thuật và hạ tầng để đảm bảo thực hiện thành công.
Hạn chế phương tiện: Kết hợp giải pháp tĩnh và động

Cùng một mục đích hạn chế phương tiện, có thể áp dụng giải pháp tĩnh thay cho giải pháp động. 

Gần 100 trạm thu phí được đầu tư, hàng chục đối tượng phương tiện khác nhau được phân loại để miễn, giảm, hoặc thu đủ 100% phí… là những thao tác kỹ thuật cần thực hiện nếu đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô của Sở GTVT Hà Nội được phê duyệt.

Đây sẽ là điều khiến cho quyết tâm giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội thông qua giải pháp thu phí gặp không ít rào cản về truyền thông, dù ai cũng thấy rằng đã đến lúc cần phải quyết liệt giảm ùn tắc.

Cá nhân tôi cũng cho rằng, nếu vì mục đích hạn chế phương tiện thì giải pháp tĩnh, kiểm soát việc dừng, đỗ xe sẽ hiệu quả và ít hệ lụy hơn so với giải pháp động, thu phí di chuyển.

Đối với giải pháp động, thu phí phương tiện, việc xây dựng hàng trăm trạm thu phí sẽ vô cùng tốn kém, mà con số đó vẫn không thể đảm bảo kiểm soát triệt để các ngả vào thành phố với hàng trăm km vành đai.

Bên cạnh đó, cho dù áp dụng thu phí không dừng thì các trạm thu phí đó vẫn cần một lượng nhân viên không lồ để xác định phương tiện được phân loại với các mức miễn, giảm phí khác nhau.

Đây cũng chính là lý do khiến cho trong đề án của Sở GTVT Hà Nội, nếu thu mức phí 50 ngàn đồng/xe/lượt thì cũng chỉ đủ chi phí, không thu được đồng nào cho ngân sách.

Khoản tiền người dân phải bỏ ra để trả phí, nếu không mang lại nguồn lợi để tái đầu tư, chỉ thuần túy phục vụ việc thu phí, thì cũng là chi phí vô ích của xã hội. 

Đối với giải pháp tĩnh, kiểm soát chặt hạ tầng giao thông tĩnh, thu phí dừng đỗ cao, một mặt giảm đầu tư hạ tầng, một mặt bớt đi sự phức tạp để kiểm soát sự công bằng, mà hiệu quả hạn chế phương tiện sẽ cao hơn, dễ thực hiện hơn.

Để thực hiện giải pháp tĩnh. Điều khó khăn nhất là chính quyền thành phố phải quyết tâm quản lý hạ tầng đường phố và vỉa hè.

Theo đó, chính quyền thành phố cần thu hồi toàn bộ giấy phép trông giữ xe, giải tỏa toàn bộ các điểm trông giữ xe tự phát trên lòng đường, vỉa hè. Tất cả các điểm dừng đỗ xe trên đường phố cần được quy hoạch, và đặt cột thu phí tự động. Thanh tra giao thông, và cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra và phạt nguội đối với các phương tiện đỗ xe không trả phí, hoặc đỗ xe không đúng vị trí, mức phạt cao gấp nhiều lần mức phí.

Tất cả vỉa hè sẽ không được phép đỗ xe, cả xe máy và ô tô, xe đạp có vị trí để khóa theo quy hoạch.

Xe taxi, xe ôm, cũng như mọi phương tiện giao thông công cộng khác đều phải đón trả khách tại điểm quy định, không được dừng đỗ trả khách tùy tiện.

Phí trông giữ xe được áp dụng với mức cao, và toàn bộ khoản phí này được sử dụng để tái đầu tư hạ tầng, trợ giá phương tiện công cộng.

Với giải pháp tĩnh, kinh phí đầu tư, cũng như mức độ phức tạp của các giải pháp kỹ thuật sẽ giảm rất nhiều so với giải pháp động. Trong khi đó, hiệu quả hạn chế phương tiện sẽ cao hơn.

Khi chỗ đỗ xe công cộng ít đi bởi không còn các bãi trông giữ tự phát, đồng thời với phí đỗ xe được áp với mức cao, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn và có động lực hơn trong việc đầu tư xây dựng các dự án bãi đỗ xe thông minh.

Người dân trong khu vực nội thành cũng sẽ cân nhắc kỹ hơn về chi phí để quyết định mua sắm phương tiện, hoặc phải chọn giải pháp gửi xe ở ngoại thành. Chi phí để sử dụng phương tiện cá nhân sẽ tăng cao, dẫn đến xu hướng sử dụng phương tiện công cộng tăng. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng độ hấp dẫn với các doanh nghiệp vận tải công cộng.

Với góc nhìn này, tôi mong muốn Sở GTVT và chính quyền thành phố Hà Nội cân nhắc giữa 2 lựa chọn động và tĩnh trong nỗ lực hạn chế phương tiện cơ giới để chống ùn tắc ở thủ đô./.

Các tin khác