Tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về việc cấp giấy chủ quyền nhà đất tại huyện Bình Chánh ngày 12-9, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đề nghị huyện hạn chế thấp nhất việc nhận hồ sơ của người dân xong rồi sau đó yêu cầu bổ sung.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ ban đầu phải có thời gian thẩm định, nếu phát hiện ngay một số lỗi và trả ngay sẽ giảm thiểu bức xúc cho người dân. Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, từ tháng 7-2015 đến tháng 6-2017, hồ sơ cấp giấy chủ quyền chưa đủ điều kiện giải quyết, yêu cầu bổ sung là 7.341 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 47,17%. Con số này là quá cao nếu so với các huyện khác, như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè chỉ chiếm tỷ lệ từ 7% - 10%.
Về việc hồ sơ tồn nhiều tại huyện Bình Chánh, ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường nêu nguyên nhân liên quan đến việc phối hợp giữa huyện và sở. Theo đó, quan niệm về thẩm quyền cấp giấy cá nhân có sự khác nhau dẫn đến tranh luận giữa Sở Tài nguyên- Môi trường và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và một phần Nhà Bè, lý do là hướng dẫn của các nghị định, thông tư của Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa rõ; sở sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị và mời bộ vào tập huấn để thống nhất cách hiểu.
Lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, có nhận 7 đơn thư khiếu nại của cử tri liên quan đến đất đai tại nông trường Lê Minh Xuân, đề nghị huyện Bình Chánh hỗ trợ tiếp cận, trên cơ sở đó bố trí tiếp dân và hướng dẫn, trả lời vụ việc.
° Chiều 12-9, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã làm việc với các sở, ngành về tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 trên địa bàn TPHCM.
Theo thông tin từ Sở Tư pháp TPHCM, từ khi triển khai Luật Lý lịch tư pháp 2009, sở tiếp nhận 337.784 thông tin do các đơn vị chuyển đến. Với cơ sở dữ liệu này, Sở Tư pháp TPHCM đã bước đầu chủ động trong công tác tra cứu phục vụ cho việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân, nhất là các trường hợp đã được cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhiều lần. Từ ngày 1-7-2010 (ngày luật có hiệu lực thi hành) đến ngày 30-6-2017, Sở Tư pháp TPHCM cấp 358.770 Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp tại TPHCM đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn trong phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích, phối hợp cung cấp thông tin... Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cũng gây ra sự bất tiện cho người dân.
Từ những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tế, đại diện Sở Tư pháp TPHCM, Công an TPHCM, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, Cục Thi hành án Dân sự TPHCM kiến nghị ban hành quy chế phối hợp xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích; xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan chức năng. Đặc biệt, các cơ quan trên kiến nghị sửa quy định của pháp luật theo hướng không cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân, chỉ cấp phiếu cho cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo bí mật đời tư cho cá nhân.