Tại cánh đồng phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), ông Trần Dán (68 tuổi) nói: “Một tháng trời không mưa, nước không có nên dân không thể gieo trồng được. Năm nay chỉ làm một vụ đông xuân, còn vụ này bỏ do nắng quá. Nhà tôi có 6 sào ruộng bỏ hoang nhưng cỏ không mọc nổi, nuôi 3 con bò cũng không dám thả chúng ra đồng vì không có nước uống. Phải nhốt trong vườn nhà, chiều ngớt nắng mới cho ra gặm chút cỏ khô lót dạ”.
Không chỉ phường Quảng Thuận, ở các xã Bắc Trạch, Thanh Trạch, Đồng Trạch, Lý Trạch, Nam Trạch (huyện Bố Trạch), hàng trăm hécta lúa cũng bỏ hoang, nứt nẻ. Ông Nguyễn Văn Luyên, nông dân xã Đồng Trạch, lo lắng: “Vẫn chuẩn bị tinh thần hạn hán nhưng năm nay dân bỏ vụ hè thu do thiếu nước ngay từ đầu mùa”.
Có mặt tại xã Hương Thủy, “chảo lửa” ở huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), PV Báo SGGP ghi nhận mặc dù là địa bàn nằm gần sông Ngàn Sâu, nhưng những ngày này lòng sông cạn trơ đáy, hàng loạt cánh đồng rộng lớn đã phải bỏ hoang.
Nhìn cánh đồng cỏ cháy, ông Trần Văn Dũng (63 tuổi, trú thôn 8, xã Hương Thủy) tiếc nuối cho biết, hạn hán khốc liệt, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ từ 39- 400C kéo dài suốt cả tháng nay khiến nguồn nước trong các hồ đập, kênh mương cạn kiệt, ruộng đồng khô nứt nẻ, xác xơ. Ngay đến cả các loại cỏ dại cũng bị chết, khô cháy; trâu bò gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn.
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, thông tin, trong vụ hè thu, diện tích lúa trên địa bàn tỉnh phải bỏ hoang hơn 14.000ha; tập trung ở địa bàn các huyện Nghi Xuân, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang…
Tại Nghệ An, ghi nhận của PV Báo SGGP cho thấy các xã Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Lợi… (huyện Hưng Nguyên), Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam (huyện Nghi Lộc) đều rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Toàn tỉnh Nghệ An có hơn 11.319ha lúa bị thiếu nước, khô cháy.
Theo khảo sát của các ngành chức năng, hiện nay mực nước ở các hồ đập thủy lợi trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung bộ đang ở mức thấp, dẫn đến việc thiếu nước tưới cho cây trồng và sinh hoạt của người dân.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh cho hay, hiện nay, trên địa bàn, tùy vào từng loại hồ đập, có nơi mực nước chỉ đạt 30% dung tích thiết kế. Trước tình hình này, đơn vị đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, bà con nông dân thực hiện việc điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước để cầm cự cho tới mùa mưa.
Trong khi đó, tại tỉnh Nghệ An, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ chỉ còn cách mực nước chết 2,71m. Với thực trạng nguồn nước hiện tại ở hồ Bản Vẽ, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân đang gặp không ít khó khăn. Hàng ngàn hộ gia đình đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới nếu tình hình không được cải thiện.