Theo các quy định chặt chẽ hơn do FSC đề xuất, các công ty liên kết tài chính này sẽ phải bán một số cổ phần của mình trong các công ty phi tài chính nếu hoạt động kinh doanh như vậy được xem là gây rủi ro cho hệ thống tài chính. Các quy định mới sẽ tác động đến 97 đơn vị liên kết tài chính của 5 chaebol, gồm Samsung, Hyundai Motor, Hanwha, Lotte và DB, cũng như 2 công ty tài chính lớn khác là Kyobo Life Insurance Co. và Mirae Asset Daewoo Co. Các quy định mới này sẽ cho phép các cơ quan chức năng tăng cường giám sát vốn của các công ty liên kết tài chính, đồng thời ngăn chặn việc các chaebol “khai thác” các công ty con của họ như một “nguồn quỹ”. FSC cho biết, theo kế hoạch quy định mới sẽ bắt đầu thực hiện thử nghiệm vào tháng 7 tới.
Hệ thống sở hữu chéo cổ phần lâu nay vẫn là điển hình của các tập đoàn gia đình trị của Hàn Quốc, giúp các tập đoàn này nắm quyền kiểm soát các đế chế kinh doanh của mình. Mối quan hệ sở hữu chéo không chỉ giữa các công ty thành viên trong nội bộ chaebol mà còn giữa các chaebol với nhau.
Với mô hình này, không cần nắm giữ quá nhiều cổ phần sở hữu, công ty mẹ vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới các công ty con. Việc này tạo ra nhiều hệ lụy bất cập cho các chaebol như tình trạng quản lý không rõ ràng do bộ máy lãnh đạo mặc định không bao giờ được thay thế ngoài thành viên của các gia đình sáng lập.
Trong khi đó, một thông lệ ngầm định của chính phủ từ trước đến nay là đặt ra các quy định về tài chính cho phép các chaebol tuy chỉ nắm giữ cổ phần thiểu số trong các công ty trong tập đoàn nhưng lại có khả năng kiểm soát các công ty này như thể họ đang nắm cổ phần đa số. Điều này được hậu thuẫn một phần bởi một mê cung các mối quan hệ sở hữu chéo chằng chịt cho phép các công ty con của các chaebol cấm cửa các nhà đầu tư muốn cạnh tranh chiếm giữ quyền kiểm soát.

Do đó, năm 2017 trước sức ép cải cách chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi Luật Thương mại nhằm ngăn chặn các hoạt động sở hữu chéo. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ quản lý các hoạt động sở hữu chéo mới hình thành chưa tập trung giải quyết các quan hệ sở hữu chéo đã và đang tồn tại nhiều năm qua.
Đầu năm nay “gã khổng lồ” bán lẻ của Hàn Quốc Lotte Group, đơn vị đầu tiên triển khai giảm hoạt động sở hữu chéo, cho biết sẽ sáp nhập 6 công ty con chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán vào công ty Lotte Corp, qua đó chính thức "đoạn tuyệt" với cơ chế sở hữu chéo cổ phần. Khi quá trình sáp nhập này kết thúc, Lotte sẽ hoàn tất việc loại bỏ hệ thống sở hữu chéo cổ phần giữa các công ty con. Theo dự kiến, Lotte sẽ hoàn tất công việc thống nhất này trong tháng 4. Trước đó, hồi tháng 10-2017, Lotte đã thành lập công ty Lotte Corp theo mô hình "holding" (công ty đầu tư hoặc công ty mẹ).
Công ty "holding" này chỉ nắm giữ cổ phần đầu tư của công ty khác mà không tiến hành hoạt động sản xuất hay kinh doanh trực tiếp. Được thành lập ở Nhật Bản vào năm 1967, Lotte đã trở thành tập đoàn lớn thứ năm Hàn Quốc nhờ những thành công trong các lĩnh vực giải trí, thực phẩm và bán lẻ. Với tổng nhân lực trên toàn cầu lên đến 125.000 nhân viên, ông lớn này hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực hóa chất, cửa hàng miễn thuế, tài chính và xây dựng. Tuy nhiên, tập đoàn gia đình trị đã dính vào rắc rối tranh giành quyền quản lý buộc chính phủ phải can thiệp và yêu cầu cải tổ.