Theo đó, nguồn vốn chủ sở hữu tại Handico khoảng 3.439 tỷ đồng, nhưng số nợ phải trả ngắn hạn lên đến 4.265 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn 2.042 tỷ đồng.
Nợ phải trả vượt vốn sở hữu 2.868 tỷ đồng
Kết luận thanh tra chỉ rõ số nợ của công ty mẹ Handico và 5 công ty con đã vượt vốn chủ sở hữu khoảng 2.868 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Handico là 1,83 lần. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Handico ghi nhận số nợ phải trả tại thời điểm 31-12-2016 là 4.169 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn 2.588 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn 1.580 tỷ đồng.
Nhưng kết quả thanh tra lại cho thấy sự khác biệt, số nợ phải trả ngắn hạn của Handico được xác định khoảng 4.265 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn 2.042 tỷ đồng.
Qua thanh tra, cả 6 DN (công ty mẹ Handico và 5 công ty con) chưa đối chiếu đầy đủ công nợ phải trả. Số tiền nợ phải trả chưa đối chiếu đầy đủ tại thời điểm cuối năm 2016 lên tới 1.143 tỷ đồng, chiếm 18% tổng nợ phải trả.
Nguyên nhân do báo cáo tài chính DN chưa đối chiếu đầy đủ nợ tại thời điểm cuối năm 2016. Điều này được Handico giải thích do đặc thù hoạt động kinh doanh, thi công các công trình xa, phân tán tại nhiều địa phương, nên khi gửi biên bản đối chiếu công nợ đến các đơn vị để rà soát thống nhất xác nhận nợ nhưng tổng công ty chưa nhận được phản hồi.
Mặt khác, công nợ phát sinh từ lâu, các nhà thầu đã chuyển trụ sở, hoặc không đến để làm thủ tục thanh lý hợp đồng và không chuyển trả lại đối chiếu công nợ.
Cơ quan thanh tra cũng ghi nhận, 5/6 DN được thanh tra có nợ phải trả quá hạn. Số nợ phải trả quá hạn tại thời điểm cuối năm 2016 là 41,05 tỷ đồng, bao gồm nợ phải trả quá hạn công ty mẹ 13,31 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 là 19,76 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội 4,92 tỷ đồng, Công ty Tu tạo và phát triển nhà Hà Nội 2,56 tỷ đồng, CTCP Tư vấn Đầu tư và xây dựng phát triển đô thị Hà Nội 497 triệu đồng.
Bên cạnh đó, CTCP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội 68 bị phát hiện chưa hạch toán tăng doanh thu 1,92 tỷ đồng theo quy định. Ngoài ra, trong khi số nợ phải trả của Handico và các công ty con vượt vốn chủ sở hữu hàng ngàn tỷ đồng, số nợ phải thu của công ty được cơ quan kiểm toán xác nhận khoảng 1.578 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu ngắn hạn 1.572 tỷ đồng, nợ phải thu dài hạn 5,73 tỷ đồng.
Dự án chậm tiến độ hàng chục năm
Dự án chậm tiến độ hàng chục năm
Thanh tra lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản DN, Thanh tra Tài chính cũng phát hiện CTCP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68 có một số công trình, dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cách đây nhiều năm, nhưng chưa ghi nhận tăng tài sản và thực hiện trích khấu hao theo quy định. Công ty này đang quản lý cho thuê chui khoảng 7.383m2 sàn tầng 1 các tòa nhà CT1, CT2, CT3A, CT3B.
Tổng giá trị hàng tồn kho của Handico theo báo cáo tài chính hợp nhất 2016 khoảng 1.513 tỷ đồng, trong đó nguyên liệu, vật liệu 3,36 tỷ đồng, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 1.479 tỷ đồng, hàng hóa 30,6 tỷ đồng. Nhưng kết quả thanh tra lại cho thấy giá trị tồn kho của 6 DN trực thuộc Handico lên tới 3.192 tỷ đồng, gấp đôi số liệu của báo cáo tài chính.
Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lên tới 3.147 tỷ đồng, nguyên, vật liệu 4,19 tỷ đồng, hàng hóa tồn kho 37,3 tỷ đồng. Giá trị đầu tư xây dựng của Handico tại thời điểm 31-12-2016 khoảng 1.552 tỷ đồng, công ty mẹ đầu tư một số dự án bị chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đó là các dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại ô đất CT3, CT3, CT5 khu đô thị Kim Chung, dự án X2 Trần Phú...
Một số dự án khác do công ty con của Handico đầu tư cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ nhiều năm. Cụ thể, dự án Mễ Trì Hạ do CTCP Tu tạo và phát triển nhà Hà Nội triển khai có tổng mức đầu tư 333,83 tỷ đồng chậm tiến độ 6 năm. Dự án Bắc Đại Kim, tổng mức đầu tư 463,5 tỷ đồng, đã đầu tư 168 tỷ đồng, chậm tiến độ 12 năm. Dự án Khu đô thị Cầu Bươu, tổng mức đầu tư khoảng 1.830 tỷ đồng, chi phí đã đầu tư 598 tỷ đồng, đang xây dựng dở dang, chậm tiến độ 8 năm.
Về doanh thu của Handico và các công ty con, theo kết luận thanh tra doanh thu và thu nhập khác của 6 DN đạt 1.455 tỷ đồng, chủ yếu là doanh thu thuần về bán hàng, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 181 tỷ đồng. Qua thanh tra xác định có 2/6 DN hạch toán thiếu doanh thu và thu nhập 8,2 tỷ đồng, công ty mẹ hạch toán thiếu số tiền 4,7 tỷ đồng, CTCP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội hạch toán thiếu doanh thu xây lắp số tiền 3,5 tỷ đồng.
Thanh tra cũng phát hiện, dù kinh doanh có lãi trong năm 2016, nhưng Handico vẫn nộp thiếu số thu ngân sách 60,4 tỷ đồng. Vì vậy, cơ quan thanh tra kiến nghị Handico và các công ty con khai bổ sung thuế GTGT số tiền 12,4 tỷ đồng, đồng thời nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính 16,8 tỷ đồng liên quan đến các khoản nộp thiếu thuế thu nhập DN, lợi nhuận còn lại sau thuế, thuế GTGT.