Hàng bình ổn chưa ổn

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, có nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, ngoài các giải pháp về thuế và tiền tệ, cần có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách để giảm giá hàng hóa, đưa các mặt hàng này về khu vực nông thôn.

Làm được điều này sẽ vừa giải quyết được tình trạng hàng tồn kho, đồng thời thực hiện được mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ đề ra.

Trên thực tế, đây không phải là giải pháp mới, bởi thời gian qua mỗi năm Nhà nước đều phải chi hàng trăm tỷ đồng để bình ổn giá cả. Chính sách này nhằm giúp người dân đảm bảo cuộc sống trong tình trạng giá cả liên tục leo thang.

Tuy nhiên, hiệu quả của các chương trình bình ổn giá là vấn đề cần xem xét, bởi đang tồn tại một nghịch lý là hàng bình ổn giá lại bị… ế! Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, hàng bình ổn giá vẫn chưa thực sự đến được với người nghèo.

Nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình được lấy từ thuế của toàn dân nhưng phần lớn lại tập trung ở các siêu thị, nơi mà đối tượng phục vụ chủ yếu là người có thu nhập khá, chí ít cũng không nghèo. Chương trình bình ổn giá mang ý nghĩa lớn về an sinh xã hội, nhưng khâu thực hiện không mang lại hiệu quả cao.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hàng bình ổn mới chỉ đáp ứng được 20% thị trường, 80% còn lại do các chợ truyền thống đảm nhiệm. Một bất cập khác là do giá bán hàng bình ổn thường thấp hơn giá thị trường nên vô hình trung hình thành cơ chế 2 giá, tạo kẽ hở cho tư thương đầu cơ, mua đi bán lại hàng bình ổn, hưởng chênh lệch giá; có thời điểm tạo ra khan hiếm giả tạo khiến đơn vị bán hàng bình ổn phải bán theo định lượng.

Đi đầu trong triển khai chương trình bình ổn giá là TPHCM. Năm 2002, thành phố chỉ có 2 DN triển khai dự trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán với số lượng vốn vay 45 tỷ đồng. Năm 2012, TPHCM triển khai 4 chương trình bình ổn giá với 48 DN tham gia, tổng nguồn vốn thực hiện bình ổn là 288,6 tỷ đồng.

Sau đó chương trình bình ổn giá đã được nhân rộng ra các địa phương, đến nay cả nước có 36 tỉnh, thành phố thực hiện với số vốn vay khoảng 1.650 tỷ đồng. Tại Hà Nội, chương trình bình ổn giá đã thực hiện được 4 năm (2008-2011) với số tiền cho vay hỗ trợ từ ngân sách tăng lên đáng kể (lần lượt là 50 tỷ đồng, 150 tỷ đồng, 200 tỷ đồng, 475 tỷ đồng).

Năm 2012, Hà Nội dự kiến tiếp tục chi khoảng 370 tỷ đồng cho chương trình này. Tuy nhiên, ở Hà Nội nhiều điểm bán hàng bình ổn giá không được nhiều người tiêu dùng đón nhận cho dù các DN có treo biển nhận diện, niêm yết giá công khai. Chính vì không được đón nhận nhiệt tình từ phía người dân cho nên hàng bình ổn đã bị tồn kho.

Chẳng hạn như tình trạng ở Công ty Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội và Công ty TNHH 2-9 Hà Tây. Sau khi tham gia chương trình bình ổn giá năm 2011, tính đến nay 2 công ty này đang tồn kho hàng hóa (thuộc diện bình ổn giá) tương đương 4 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.

Những bất cập, nghịch lý trên đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới để phát huy hiệu quả tốt hơn nguồn hàng này và việc chi ngân sách năm 2012. Để chương trình bình ổn giá thực sự phát huy tác dụng, cùng với việc tăng cường cung cấp thông tin rộng rãi đến người dân, nhất là đối tượng thụ hưởng lợi ích của chương trình, cần có những giải pháp thiết thực và khả thi hơn trong khâu triển khai thực hiện.

Trước hết nên rà soát lại những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá thực sự cần thiết, liên quan trực tiếp tới cuộc sống của người nghèo, người có thu nhập thấp. Và điều quan trọng là phải tổ chức được mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá đến tận các vùng nông thôn, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện…

Đối với tình trạng cố tình bán hàng bình ổn với giá cao hơn giá thị trường, không thực hiện cam kết bình ổn giá phải có chế tài xử lý triệt để, tránh tạo ra tiền lệ xấu. Về lâu dài, cũng cần mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống các đại lý phân phối hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng, giá cả phải chăng.

Làm được điều này, một mặt, vừa có thể tạo ra tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, mặt khác, người tiêu dùng có nhiều cơ hội hơn để làm quen với những mặt hàng sản xuất trong nước và lựa chọn các mặt hàng chất lượng phù hợp với túi tiền của mình chứ không phải vì nó nằm trong danh mục hàng bình ổn giá.

Các tin khác