Trong thông cáo phát đi ngày hôm nay (5-11), Chính phủ Indonesia khẳng định sẽ mở "cuộc điều tra đặc biệt" về hoạt động của Hãng hàng không giá rẻ Lion Air.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi cho biết lực lượng chức năng sẽ tiến hành cuộc điều tra đặc biệt về năng lực của các đội bay và sự liên lạc của nhân viên.
Ông nhấn mạnh đây là biện pháp phòng ngừa và vụ tai nạn xảy ra sáng 29-10 là "bài học kinh nghiệm đắt giá".
Trong thời gian tới, Hãng Lion Air cũng sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng Indonesia với tần suất kiểm tra lên tới 40% số chuyến bay, thay vì 10-15% đối với các hãng hàng không khác.
Theo Bộ trưởng Giao thông Indonesia, hiện nước này đang tham vấn và đề nghị các cơ quan hàng không dân dụng của Mỹ và châu Âu hỗ trợ điều tra nguyên nhân chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 còn mới, mang số hiệu JT 610 gặp nạn lao thẳng xuống biển.
Trước đó, Bộ Giao thông cũng đã sa thải một số quan chức và kỹ thuật viên của Lion Air để phục vụ công tác điều tra.
Hãng Lion Air thường bị chỉ trích vì chất lượng dịch vụ, lịch trình và các vấn đề an toàn, trong đó có vụ tai nạn hồi năm 2004.
Nhà chức trách Indonesia đã tiến hành điều tra Lion Air sau khi chính phủ nước này yêu cầu thanh tra toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX 8 ở nước này.
Hôm 2-11, Bộ Giao thông Indonesia đã tiến hành kiểm tra mức độ an toàn của các máy bay Hãng Lion Air. Cuộc kiểm tra đã phát hiện một số lỗi "nhỏ" ở hai máy bay Boeing 737-MAX 8 cùng loại với máy bay gặp nạn.
Theo thông báo của Bộ Giao thông, cơ quan chức năng Indonesia đã kiểm tra tổng cộng 10 máy bay mới được hai hãng Lion Air và Garuda đưa vào sử dụng.
Trong số những lỗi được phát hiện, có một máy bay Boeing 737-MAX 8 gặp vấn đề về màn hình hiển thị trong buồng lái liên quan đến hệ thống cảm biến được dùng để tính toán tốc độ bay và độ cao của máy bay, mà theo nhận định của một chuyên gia phân tích, lỗi này có thể tương tự với lỗi đã được báo cáo của máy bay 737-MAX 8 số hiệu JT-610.
Ngoài ra, cơ quan chức năng Indonesia còn phát hiện lỗi kỹ thuật trong hệ thống ổn định bay của một máy bay khác cùng loại. Cả hai máy bay này đều thuộc sở hữu của Lion Air và theo cơ quan chức năng, các bộ phận này đều cần phải được thay mới.
Một tuần sau vụ tai nạn nghiêm trọng, hiện vẫn chưa có câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
Lực lượng chức năng đã kéo dài thời gian tìm kiếm nạn nhân và các mảnh vỡ máy bay. Nhiều túi đựng thi thể đã được gửi đi xét nghiệm ADN, nhưng hiện mới chỉ có 14 nạn nhân được nhận dạng.
Người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia, ông Muhammad Syaugi đã gửi lời xin lỗi khi gia đình các nạn nhân yêu cầu giới chức đưa ra câu trả lời về nguyên nhân vụ tai nạn, đồng thời cho rằng công tác tìm kiếm, cứu hộ quá chậm trễ.
Đến nay, đội thợ lặn đã thu được hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay nhưng vẫn đang tìm kiếm hộp đen ghi dữ liệu buồng lái.
Hộp đen thứ hai của máy bay được cho là nằm cách khu vực tìm kiếm chính khoảng 50 m và ở độ sâu 30 m. Tuy nhiên, các dòng hải lưu và bùn đất dày hơn 1 m dưới đáy biển đang cản trở việc tìm kiếm.
Đây là tai nạn đầu tiên của dòng máy bay Boeing 737 MAX - phiên bản mới được nâng cấp, tiết kiệm nhiên liệu hơn của dòng máy bay một lối đi của Hãng Boeing.
Giới chức lãnh đạo Hãng Lion Air thừa nhận chiếc máy bay gặp nạn đã gặp phải vấn đề kỹ thuật trong chuyến bay tối 28-10 từ Bali về Jakarta nhưng ban đầu họ khẳng định lỗi đã được xử lý đúng quy trình và để cho máy bay tiếp tục cất cánh vào sáng sớm hôm sau.
Hiện các nhà điều tra đang tập trung tìm hiểu tại sao viên phi công 31 tuổi người Ấn Độ đã đề nghị được trở lại sân bay ngay sau khi cất cánh và yêu cầu đã được chấp nhận, nhưng máy bay đã rơi ngay sau đó.