Hàng hóa vẫn dồi dào, giá không tăng nhưng người dân TPHCM đi chợ vất vả hơn

(ĐTTCO) - Sở Công thương TPHCM khẳng định trong mọi tình huống, ngành công thương và các doanh nghiệp chủ lực sẽ luôn đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm. Chỉ cần người dân không tập trung mua quá nhiều đối với một số nhóm hàng trong cùng một thời điểm, sẽ gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng.
Hàng hóa dồi dào tại các siêu thị, điểm bán lẻ của thành phố; người dân cũng không còn tập trung mua vào một thời điểm như trước đây. Ảnh: H. Minh
Hàng hóa dồi dào tại các siêu thị, điểm bán lẻ của thành phố; người dân cũng không còn tập trung mua vào một thời điểm như trước đây. Ảnh: H. Minh
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nhưng ghi nhận chiều 27-6, hàng hóa ở TPHCM vẫn dồi dào, đặc biệt những mặt hàng thiết yếu…

Đi chợ vất vả hơn

Ghi nhanh từ một số hộ dân sinh sống tại huyện Hóc Môn, quận 12…, việc đi chợ hiện nay của bà con có vất vả hơn chút đỉnh, muốn mua hàng phải đi xa hơn nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận, để đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng dịch Covid-19.

Chị Nguyễn Mỹ Hạnh, ngụ phường Tân Chánh Hiệp (quận 12), cho biết thường ngày chị đi chợ ngay trên đường Đông Bắc - chợ tự phát của phần đông bà con sinh sống ở khu vực này. Thế nhưng, khi các chợ tự phát phải ngưng hoạt động, chị Hạnh phải tới chợ truyền thống Tân Chánh Hiệp, hoặc siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cách đó gần 3km.

“Rau củ quả, thịt cá trong siêu thị đều rất nhiều. Giá bán nhỉnh hơn so với các chợ tự phát, nhưng bù lại người mua truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, chị Hạnh cho hay.

Tại siêu thị Bách Hóa Xanh ở đường Vườn Lài, quận Tân Phú, những nông sản thông dụng đều có đủ như cải bẹ xanh, rau muống, cà chua, mồng tơi, cải thìa, tần ô, cà chua, dưa leo… Mặt hàng thịt heo, thịt gà… cũng dồi dào. Đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh cho biết, nhằm cung ứng tốt nhu cầu của người dân, hệ thống đã đẩy lượng hàng dự trữ lên hơn 20% so với ngày thường. 

Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm online cho khách hàng, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn với 5 ngành hàng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc và đồ dùng nhà bếp để khách hàng dễ dàng lựa chọn.

Tất cả những mặt hàng này đều là nhu yếu phẩm có giá tốt, trong đó có khoảng 500 mặt hàng đang có chương trình giảm giá mạnh.

Ghi nhận thực tế tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại các quận Bình Thạnh, quận 2, Phú Nhuận cho thấy, hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến được trưng bày đầy ắp trên các quầy kệ, giá bán tương đối ổn định. Sức mua tại hầu hết các hệ thống siêu thị trong ngày 26 và 27-6 tăng 20%-30%.

Hàng hóa vẫn dồi dào, giá không tăng nhưng người dân TPHCM đi chợ vất vả hơn ảnh 1 Chợ tạm đóng cửa, nhiều chợ lớn phải dừng kinh doanh khử khuẩn, nhưng các điểm bán hàng hóa của TPHCM vẫn duy trì lượng cung ổn định, hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn, không tăng giá. Ảnh: K. Ngân
Theo lý giải của các nhà kinh doanh, thông thường sức mua tăng vào 2 ngày cuối tuần, mặt khác do các chợ tự phát trên địa bàn thành phố và một số chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố tạm ngưng do liên quan đến dịch bệnh khiến mãi lực dồn vào các hệ thống phân phối còn hoạt động.

Chiều 27-6, trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho thị trường thành phố rất dồi dào, phong phú, cung đảm bảo cầu. Tổng lượng hàng nông sản thực phẩm về các chợ đầu mối đạt hơn 6.500 tấn/đêm, trong đó nhóm mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đạt 422,8 tấn (tăng 0,8%), nhóm thủy hải sản đạt 596,3 tấn (tăng 2,5%), nhóm rau củ quả và trái cây đạt hơn 5.522 tấn (giảm 3,2%) so với ngày 26-6.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, nhóm các mặt hàng về chợ đầu mối tăng hoặc giảm tùy vào mãi lực của thị trường, từ đó thương nhân tự điều tiết để đảm bảo nguồn cung không bị dư thừa, tránh lãng phí chứ không phải do thiếu hụt nên hàng về ít hơn.

“Trong mọi tình huống, ngành công thương và các doanh nghiệp chủ lực sẽ luôn đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm, với điều kiện người dân không tập trung mua quá nhiều đối với một số nhóm hàng trong cùng một thời điểm sẽ gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng”, ông Phương nói.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Chiều 27-6, thông tin từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TPHCM), nguồn hàng về chợ hiện nay đã được các chủ hàng chủ động san bớt qua chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Thủ Đức, nên giảm khoảng 1.000 tấn/đêm.

Tuy nhiên, các chợ đầu mối còn lại của TPHCM đều khẳng định hàng về chợ đảm bảo ổn định. Công ty Vissan cũng đẩy nguồn cung ứng cho thị trường khoảng 1.300 tấn thực phẩm tươi sống cùng 2.000 tấn thực phẩm chế biến sẵn mỗi tháng.

Liên quan đến việc UBND huyện Hóc Môn đề nghị tạm dừng các hoạt động tập kết và giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Hóc Môn kể từ 0 giờ ngày 28-6 đến 0 giờ ngày 4-7-2021, để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, chiều 27-6, Sở Công thương đã triển khai phương án điều tiết hàng hóa trong trường hợp này.

Hàng hóa vẫn dồi dào, giá không tăng nhưng người dân TPHCM đi chợ vất vả hơn ảnh 2 Khách khai báo y tế trước khi vào siêu thị mua sắm. Ảnh: H. Minh
Cụ thể, Sở Công thương phối hợp sở, ngành có liên quan, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, tăng cường nguồn cung từ các hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cho người dân thành phố trong thời gian chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động tập kết và giao hàng trực tiếp.

Đồng thời, nghiên cứu phương án giao hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống, hoặc tổ chức các điểm bán buôn với giá sỉ để phân phối, cung ứng hàng hóa cho tiểu thương chợ truyền thống.Cùng với đó, xây dựng phương án tiếp nhận và phân phối hàng hóa đột xuất trong trường hợp hàng từ chợ đầu mối chưa thể phân phối kịp thời đến chợ truyền thống, các điểm bán.

TPHCM thực hiện điều chuyển hàng hóa từ chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức, tăng năng lực tiếp nhận và phân phối hàng hóa của chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức, nhằm thay thế nguồn cung tạm thời giảm sút do chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động.

Để hoạt động lưu thông hàng hóa từ các tỉnh, thành vào chợ đầu mối Hóc Môn được đảm bảo thông suốt, không ùn ứ, Sở Công thương TPHCM đề nghị sở công thương các tỉnh, thành hỗ trợ, thông tin đến thương nhân trên địa bàn chủ động trao đổi, thống nhất với thương nhân kinh doanh, đối tác tại chợ đầu mối Hóc Môn, về hình thức vận chuyển, phương thức điều phối giao, nhận hàng hóa phù hợp.

Riêng đối với các mặt hàng tươi sống (gia súc, gia cầm): các chuỗi cung ứng của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH San Hà, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty TNHH Fredy… với hơn 112 cửa hàng, chuyên cung ứng các mặt hàng gia súc, gia cầm bổ sung, dự trữ hàng hóa tại các điểm bán. Đồng thời tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ, đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người dân.

Mạng lưới 1.962 điểm cung ứng thực phẩm (gồm 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi) trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lượng thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn thành phố.

Các tin khác