Chưa bàn đến đồng tiền rẻ 0% có chảy đúng vào địa chỉ hay không, nhưng lãi suất 0% càng không thể kích hoạt nền kinh tế như Việt Nam, bởi lãi suất 0% dẫn đến nguy cơ lạm phát và kỳ vọng lạm phát tăng tốc, kéo theo tỷ giá VNĐ tăng và nguy cơ dòng vốn đảo chiều đột ngột ra nước ngoài.
Đề xuất của VAFI với Chính phủ, NHNN và các bộ chuyên ngành có thể là với ý đồ tốt. Nhưng mỗi một đề xuất chính sách không chỉ dựa trên những nền tảng lý thuyết hoạt động của nó, mà còn cân nhắc trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đó là lợi ích và chi phí của việc thực thi chính sách đề xuất.
Bỏ qua việc bình luận về nền tảng chính sách, nếu đề xuất của VAFI chỉ cần thấy lợi ích của chính sách này giúp giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời dịch bệnh cũng là một thành công.
Và thực tế hơn là giả sử chúng ta làm được điều này chỉ cần áp trần lãi suất tiền gửi 4% cho kỳ hạn dưới 6 tháng là đạt được mong muốn.
Nhưng như vậy chúng ta phải đối phó với phản ứng người đang gửi tiền sẽ dịch chuyển tiền gửi sang các dạng tài sản tài chính khác nhau. Chẳng hạn như việc chuyển đổi hiện đang diễn ra trên thị trường tiền tệ bằng việc bán ra VNĐ để nắm giữ các loại ngoại tệ khác như USD.
Phản ứng này sẽ đẩy tỷ giá gia tăng, nghĩa là VNĐ mất giá. Hoặc người gửi tiền chuyển sang nắm giữ vàng để cất trữ như xưa nay ông bà ta làm, và để giữ giá vàng không tăng giá NHNN phải nhập vàng thế giới hay xuất kho dự trữ vàng quốc gia để cung ứng cho nhu cầu này.
Tác hại này liệu VAFI đã cân nhắc chưa? Hay giả sử nền kinh tế được vay với lãi suất thấp từ đề xuất này, một doanh nghiệp có khả năng vay nợ lãi suất thấp họ có đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, tuyển thêm lao động… hay sẽ dùng tiền vay lãi suất thấp vào các mục tiêu khác?
Đó là những câu hỏi đơn giản cần khai thông trước khi có những kiến nghị chính sách cho Nhà nước.
VAFI đã hoàn toàn nhầm lẫn, vì bản chất của lãi suất 0% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang áp dụng là do nền kinh tế quốc gia này đang trong giai đoạn giảm phát. Fed phải “bơm” tiền ra để kích thích đầu tư và vực dậy nền kinh tế.
Trong khi tình hình kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng, đang vận hàng khá ổn định nhờ những chính sách hợp lý của Chính phủ và NHNN.
Thực tế cho đến nay NHNN đã giảm lãi suất điều hành 3 lần trong năm 2020, lãi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức thấp (2,2% cho 10 năm), lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm.
Vẫn biết mục đích của VAFI là nhằm điều hướng nguồn tiền nhàn rỗi của người dân, nhưng nếu lãi cho vay cũng giảm theo lãi tiền gửi 0% thì áp lực lạm phát tăng không thể chống đỡ.
Thử kiểm tra nhanh một số nước trong khu vực Đông Nam Á lãi suất tiền gửi vẫn dương, nhiều ngân hàng như Thái Lan kỳ hạn 6 tháng là 0,4-1%, Maylaysia lãi suất tiền gửi 6 tháng cũng ở mức 1,6-1,8%.
Nhìn xa hơn và thực tế hơn, khi so sánh Việt Nam với các quốc gia khác ở trong vùng Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines có điểm xếp hạng tín nhiệm cao hơn Việt Nam. Chính vì thế họ có thể trả mức lãi suất thấp, nhưng ngay cả những quốc gia này cũng không có mức lãi suất nào bằng 0%/năm.
Rõ ràng đề xuất này không phải giải pháp đóng góp cho thị trường tài chính, mà ngược lại làm rối loạn do kích thích dòng tiền đầu cơ, nhất là khi dòng vốn này bơm vào thị trường chứng khoán và bất động sản đang nóng hiện nay.