Trong bối cảnh dịch COVID-19, hàng không Việt Nam đang đối mặt với vấn đề dư thừa nguồn lực đội tàu bay, hãng bay đua nhau giảm giá vé để cạnh tranh và điều này sẽ làm méo mó thị trường, gây mấy cân đối giữa doanh thu và chi phí hoạt động.
Máy bay tìm chỗ đỗ trên đường lăn, đường băng
Những ngày qua, theo báo cáo của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, mỗi ngày chỉ đón khoảng 5.000-6.000 khách với 80-90 chuyến bay.
“Số lượng khách ít dẫn đến chuyến bay giảm và tàu bay nằm sân la liệt, trong đó không ít chiếc ‘đắp chiếu’ cả tháng. Do sân đậu không còn đủ chỗ, đơn vị đã xin phép Cục Hàng không đóng toàn bộ đường lăn S1 để làm chỗ đỗ cho máy bay các hãng,” đại diện sân bay này cho hay.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động hàng không dân dụng trên cả nước. Các hãng hàng không nội địa của Việt Nam là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay.
“Hoạt động khai thác tàu bay giảm và tỷ lệ tàu bay đỗ qua đêm tiếp tục tăng, đặc biệt là nhu cầu đỗ qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất (các cảng hàng không có cơ sở bảo dưỡng tàu bay của các hãng hàng không),” ông Thắng nhìn nhận.
Vì thế, Cục Hàng không đã phải yêu cầu cần tối ưu hóa chỗ đỗ máy bay, trong đó bố trí đỗ trên các đường lăn đang đóng cửa, đường lăn ít sử dụng, thậm chí tính đến cả việc nghiên cứu cả phương án bố trí máy bay đỗ qua đêm trên đường băng.
Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, số tàu bay của các hãng đến thời điểm hiện tại là khoảng 230 tàu, tăng 24 tàu so với năm 2019, tương ứng tăng khoảng 10% đội tàu bay.
Theo số liệu tháng 4/2021, căn cứ theo số giờ bay thực tế của tất cả các hãng, giờ bay trung bình/tàu bay theo từng loại tàu và số tàu bay hiện có của các hãng cho thấy tổng số máy bay dư thừa của các hãng Việt Nam là xấp xỉ 58 tàu, chiếm 26% tổng số máy bay.
Để xóa lỗ và tạo dòng tiền đầu tư, Vietnam Airlines đã buộc phải đưa ra giải pháp tái cơ cấu đội bay khi đã đẩy lùi lịch nhận của 9 tàu bay có lịch giao trong năm 2020-2021 và có kế hoạch bán 11 tàu A321CEO trong năm 2021.
Ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự ngạc nhiên trong tình cảnh ngành hàng không đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát như hiện nay mà một số hãng vẫn đầu tư thêm tàu bay là vô lý.
“Vấn đề quan trọng nhất là ổn định, củng cố lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động. Trong trường hợp các hợp đồng đã được thực hiện từ trước dịch bệnh thì vẫn có thể thương lượng để chậm lại,” ông Tống nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam nhìn nhận đại dịch COVID-19 diễn ra khó lường, kéo dài, thị trường vận chuyển hành khách quốc tế chưa khai thông, bay nội địa hạn chế do giãn cách vùng dịch.
“Khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không, nhất là các hãng hàng không, càng tăng do đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư. Do đó, các doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Nhà nước chú ý định hướng chiến lược nhằm giữ được thị phần và sức cạnh tranh cho các hãng hàng không Việt Nam,” ông Nề kiến nghị.
Hàng không “bóp nghẹt” đường sắt nếu thả nổi giá vé
Trong bối cảnh dư thừa nguồn lực này, các hãng hàng không liên tục đưa thêm cung ứng vào thị trường. Tổng số ghế cung ứng trong tháng 4/2021 ước tính bằng 137% so cùng kỳ 2019 trong khi đó sức mua (tổng doanh thu của thị trường) ước tính chỉ bằng 76% so với năm 2019.
Theo các chuyên gia, việc dư thừa nguồn lực tàu bay cung ứng dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực như giảm hiệu quả sử dụng tàu bay, quá tải sân bay. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành cần cân nhắc và xem xét một số giải pháp về điều chỉnh phê duyệt mua tàu bay mới theo hướng siết chặt hơn để phù hợp với tình hình thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.
“Tiền đầu tư của doanh nghiệp, dù là Nhà nước hay tư nhân cũng đều là nguồn lực của Việt Nam, cần tính toán sao cho hiệu quả, tránh lãng phí. Đó là chưa nói đến nguy cơ phá sản nếu không xử lý tốt,” một chuyên gia hàng không chia sẻ.
Mặt khác, việc dư thừa cung ứng cũng khiến các hãng đua nhau giảm giá, giành khách và thị phần khiến hiệu quả của các hãng bay đều giảm sút.
Hiện nay, có tình trạng cạnh tranh giữa các hãng hàng không bằng cách giảm mạnh giá vé. Tính đến tháng 4/2021, giá vé bình quân trên thị trường chỉ bằng 55% cùng kỳ 2019. Giá vé giảm có thể đến từ các chương trình kích thích tiêu dùng của các hãng trong bối cảnh dịch bệnh hoặc cũng có thể đến từ tình trạng dư thừa nguồn cung nhưng việc giá vé giảm quá mạnh sẽ gây ra những méo mó trong bức tranh thị trường, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán.
Chưa kể, việc bán phá giá vé máy bay trong bối cảnh các hãng hàng không đang gặp áp lực lớn về tài chính hoàn toàn có thể gây ra sự sụt giảm doanh thu trầm trọng mà tồi tệ hơn là phải lâm vào tình trạng phá sản khi doanh thu không bù đắp nổi các chi phí hiện hữu.
Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất và tới lúc đó, người tiêu dùng sẽ lại chịu thiệt thòi.
Đánh giá sự ra đời của hàng không giá rẻ đã tạo cơ hội đi lại bằng tàu bay cho nhiều người, tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng nếu hãng bay bán phá giá, cụ thể trong một thời gian dài mà tiền bán vé thu về không đủ số chi ra thì cần phải xử lý nghiêm để tạo minh bạch và công bằng giữa các hãng hàng không.
Trên cơ sở này, một số hãng bay đã có kiến nghị Chính phủ cần phải có biện pháp cân đối giá vé hàng không với giá các loại hình vận tải khác, tránh tình trạng ngành hàng không sẽ “bóp nghẹt” sự phát triển của các loại hình khác như vận tải đường bộ hoặc đường sắt.