Năm ác mộng
Theo IATA, ngành hàng không ước lỗ 118,5 tỷ USD trong năm 2020, vượt xa mức dự báo lỗ 84,3 tỷ USD đưa ra hồi tháng 6. Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc IATA, cho biết cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến các hãng hàng không phải cắt giảm 45% chi phí, nhưng doanh thu vẫn giảm 60,9%.
Cụ thể, doanh thu của các hãng hàng không năm 2020 sụt giảm 500 tỷ USD (từ 838 tỷ USD năm 2019 xuống còn 328 tỷ USD). Các hãng hàng không cũng đã cắt giảm chi phí 365 tỷ USD (từ 795 tỷ USD năm 2019 xuống 430 tỷ USD năm 2020).
“2020 là năm tài chính tồi tệ nhất của ngành. Các hãng hàng không cắt giảm chi phí trung bình 1 tỷ USD mỗi ngày, nhưng vẫn gánh chịu những khoản lỗ chưa từng có. Nếu không nhờ 173 tỷ USD hỗ trợ tài chính của các chính phủ, chúng ta sẽ chứng kiến những vụ phá sản trên quy mô lớn” - ông de Juniac nói.
Tất cả thông số hoạt động chính trong kinh doanh hành khách đều âm: số lượng hành khách giảm mạnh xuống 1,8 tỷ (giảm 60,5% so với 4,5 tỷ hành khách vào năm 2019); doanh thu từ hành khách giảm còn 191 tỷ USD, chưa bằng 1/3 so 612 tỷ USD năm 2019; sản lượng hành khách ước giảm 8% so với năm 2019 và hệ số tải hành khách chỉ đạt 65,5%, giảm so với mức 82,5% năm 2019. Những điều này phần lớn do nhu cầu hành khách giảm 66% (tính bằng km/hành khách - RPK).
Các thị trường quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu giảm tới 75%. Các thị trường nội địa, dù có sự phục hồi ở Trung Quốc và Nga, nhưng cũng kết thúc năm 2020 thấp hơn 49% so với 2019.
So với hoạt động hành khách, các thông số vận hành đối với hàng hóa tốt hơn, nhưng vẫn kém so với năm 2019. Theo đó, lượng tải trọng ước 54,2 triệu tấn vào năm 2020, giảm so với 61,3 triệu tấn năm 2019. Nhưng doanh thu hàng hóa lại cao hơn năm trước, đạt 117,7 tỷ USD so với 102,4 tỷ USD năm 2019. Dù không thể bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu của hành khách, nhưng nó đã trở thành phần đáng kể trong doanh thu của các hãng hàng không, giúp các hãng có thể duy trì mạng lưới quốc tế cốt lõi của họ.
Với thực trạng trên, đã có 35-40 hãng hàng không biến mất trong năm 2020, trong đó có một số hãng nổi tiếng như Virgin Australia của Australia, Flybe của Anh, Comair của Nam Phi, Latam Airlines của Mỹ Latin và Avianca của Colombia. Các công ty lớn hơn khác, chẳng hạn như Thai Airways và South African Airways, tồn tại được nhờ các gói cứu trợ lớn của chính phủ và các chương trình hỗ trợ.
Cần hỗ trợ thêm 80 tỷ USD
Cần hỗ trợ thêm 80 tỷ USD
IATA dự báo ngành hàng không sẽ hồi phục rất chậm, với các chuyến bay chỉ quay lại mức bình thường trước khủng hoảng vào năm 2024 và lượng hành khách vẫn giảm 30% trong năm tới. |
Theo báo cáo của IATA, hiện có gần 40 hãng hàng không đang ở trong tình trạng rất khó khăn hoặc đang được bảo hộ hoặc quản lý phá sản. Các hạn chế đi lại đã buộc nhiều hãng hàng không phải ngừng hoạt động gần như toàn bộ đội bay. Nhiều chính phủ đã vào cuộc với nhiều hình thức viện trợ như cho vay, bơm tiền mặt và hỗ trợ cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Dù những đột phá về vaccine mang lại chút ít hy vọng, nhưng du lịch phải chờ thêm nhiều tháng nữa mới có thể hồi phục. Dù IATA dự đoán các hãng hàng không sẽ mất thêm 87 tỷ USD trong năm nay, nhưng ông de Juniac cho biết: “Rất có thể chúng tôi sẽ xem xét những khoản lỗ lớn hơn. Thâm hụt cả năm có khả năng lên tới 100 tỷ USD".
Phải phối hợp quốc tế
Phải phối hợp quốc tế
Hiện vaccine được coi là điều cần thiết để phục hồi hoạt động du lịch hàng không quốc tế. IATA đang phát triển một ứng dụng nhằm giúp hành khách bay dễ dàng hơn, bằng cách quản lý chứng từ về xét nghiệm Covid và vaccine. Ứng dụng này kỳ vọng ra mắt sớm nhất vào cuối tháng 3. Trong khi đó, các quốc gia vẫn tiếp tục đưa ra các yêu cầu khác nhau về kiểm tra và kiểm dịch.
Giám đốc điều hành của Qatar Airways, Akbar Al-Baker, hy vọng công nghệ mới này có thể giúp tăng lượng hành khách. "Tôi nghĩ rằng đây sẽ là tiêu chuẩn mới mà mọi người sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng để lên máy bay" - ông Al-Baker nói và hy vọng ngành công nghiệp hàng không sẽ đưa ra các tiêu chuẩn chung về an toàn cho hành khách với Covid.
Điều gây khó khăn cho các hãng hàng không hiện nay là chính phủ các nước có những yêu cầu khác nhau đối với du khách khi nhập cảnh vào nước họ. Các CEO hàng không cho rằng Liên hiệp quốc lẽ ra phải đưa ra những tiêu chuẩn về đi lại để ứng phó với đại dịch, nhưng chính trị đã cản trở điều đó.
"Các chính phủ đang có quan điểm cực kỳ bảo thủ khi đều muốn kiểm soát theo cách thức riêng của mình” - ông Tony Fernandes CEO của Air Asia, nhận xét.
Để giải quyết điều này, rất cần sự phối hợp ở cấp quốc tế. "Tôi nghĩ đây sẽ là dự án chung của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), IATA và WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), nhằm giới thiệu một thẻ an toàn cho những người có chứng chỉ tiêm chủng sẽ được quốc tế công nhận" - ông al-Baker nói.
Nhưng vẫn còn những câu hỏi như liệu bộ 3 kể trên chịu bắt tay hành động. Và nó sẽ được triển khai đủ nhanh để cứu các hãng hàng không hay không. Hoặc liệu bộ 3 trên có thể đủ sức để áp đặt tất cả quốc gia phải chấp nhận đề xuất của họ hay không…