Hàng loạt dự án trên đất vàng bị "treo", Hà Nội đang vướng mắc gì?

(ĐTTCO)- Nhằm xử lý thực trạng nhiều dự án rầm rộ khởi công, xong lại quây tôn kín mít, “treo” từ năm này sang năm khác, UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo các ban, ngành liên quan vào cuộc rà soát, thu hồi.
Khu đô thị mới Thịnh Liệt đến nay cũng chỉ trên giấy. (Ảnh: KT)
Khu đô thị mới Thịnh Liệt đến nay cũng chỉ trên giấy. (Ảnh: KT)

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xử lý các dự án này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một trong những Dự án “tai tiếng”, “treo” dài trên địa bàn Hà Nội là Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Năm 2004, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định thu hồi trên 35 ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao Tổng công ty xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt, nhưng đến nay cũng chỉ Khu đô thị trên giấy, hoang hóa, rác rưởi và không ít diện tích sử dụng sai mục đích... Kỳ vọng về một khu đô thị mới, hiện đại treo dài theo dự án.

Ông Hồ Văn Hoàng, người dân phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai bức xúc: “Dự án chậm xây dựng đã để lại rất nhiều vấn đề về môi trường, cuộc sống người dân ở đây, quây tôn rồi cứ để đó lãng phí đất đai”.

Thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng trăm dự án chậm triển khai tại khắp các quận, huyện. Trong đó có không ít các dự án “treo” từ thập niên này sang thập niên khác ngay tại các địa bàn, trục đường trung tâm được xem là “đất vàng”. Có thể kể đến Dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc (diện tích 13.000m2) tại phường Yên Phụ do Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng IDC (khởi công năm 1999); Dự án Trấn Sông Hồng-Song Hong City (60.000m2- địa bàn hai phường Phúc Xá - quận Ba Đình và Yên Phụ - quận Tây Hồ) do Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội liên doanh với nước ngoài để xây dựng và kinh doanh nhà ở, Văn phòng thương mại, khách sạn (khởi công năm 1995); Dự án xây dựng Bến xe Yên Sở tại quận Hoàng Mai.

Theo Quyết định năm 2016 của UBND thành phố Hà Nội, việc xây dựng Bến xe Yên Sở (với diện tích khoảng 3,5ha) sẽ hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, quá thời hạn hoàn thành, Bến xe Yên Sở vẫn là bãi đất hoang, quây tôn kín mít.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàng Mai cho biết: “Dự án đang triển khai thì các bước về thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai thì thành phố đang giao cho các sở kiểm tra lại báo cáo thành phố”.

Nhằm xử lý thực trạng dự án treo trên địa bàn, UBND Thành phố Hà Nội đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan quyết liệt vào cuộc đôn đốc, gỡ vướng. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý, thu hồi các dự án này diễn ra vẫn rất chậm chạp.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về tiến độ xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố (7/2022), Tổ công tác liên ngành và UBND các quận, huyện, thị xã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; chấm dứt hoạt động đối với 8 dự án với tổng diện tích 34,4ha. Nâng tổng số dự án xử lý đến nay là 37 dự án, với diện tích trên 1.800 ha.

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã còn bổ sung dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, dự án vi phạm và tiếp tục đề xuất, kiến nghị xử lý đối với 173 dự án. Trong số này có 53 dự án đã có quyết định chủ trương, nhưng đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất…

Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện thì kiên quyết thu hồi. Chúng tôi cũng công khai các dự án bị thu hồi trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Thực trạng dự án “treo” không chỉ để lại những hệ luỵ về mặt kinh tế, lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng lớn đến trật tự, mỹ quan đô thị. Thực tế này cũng đặt ra những câu hỏi về chủ trương đầu tư, quy trình phê duyệt dự án, năng lực tài chính của những chủ đầu tư này.

Các tin khác