Hàng loạt phụ huynh bị gọi điện lừa đảo 'con bị tai nạn'

(ĐTTCO)-Những ngày qua, hàng loạt phụ huynh ở Hà Nội đã phản ánh bị gọi điện lừa đảo với kịch bản cũ 'con đang bị tai nạn', có gia đình cả hai vợ chồng đều bị gọi. Nhiều phụ huynh lo lắng về việc vì sao lộ lọt thông tin cá nhân một cách dễ dàng đến như vậy?
Hàng loạt phụ huynh bị gọi điện lừa đảo 'con bị tai nạn'

Trong những ngày vừa qua, trên các trang mạng xã hội đăng thông tin nhiều phụ huynh bị lừa với kịch bản con đang cấp cứu ở Bệnh viện. Những phụ huynh bị gọi điện lừa đảo chủ yếu trên địa bàn TP.HCM, trong đó có nhiều người đã bị lừa số tiền từ 50-200 triệu đồng.

Cụ thể, một phụ huynh có con học tại Trường Hoàng Diệu, Quận 4, TP.HCM bị lừa chuyển khoản gấp 20 triệu đồng với lý do con của họ bị té chấn thương sọ não đang cần tiền mổ gấp; 2 trường hợp khác là phụ huynh của Trường học Quốc tế Canada ở Quận 7 và trường Á Châu ở Quận 10.

Theo thông tin, đối tượng yêu cầu mỗi phụ huynh chuyển khoản 200 triệu đồng để điều trị cho con. Trong đó, có một phụ huynh đã chuyển khoản 2 lần vào 2 số tài khoản lạ tên Nguyễn Duy Thái và Thạch Vũ Hà tổng cộng 200 triệu đồng….

Trong ngày hôm qua (13/3), hàng loạt phụ huynh ở Hà Nội đã phản ánh bị gọi điện lừa đảo với kịch bản cũ “con bị tai nạn”. Chị Hoàng Thị H. (phường Yên Phụ - Quận Tây Hồ) cho biết, chiều qua (13/3), số điện thoại 0328817027 đã gọi điện cho chị nói đúng họ tên con, trường lớp học rằng con bị ngã cầu thang được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện 354, người nhà đến viện gấp.

Cũng dùng kịch bản đã lừa nhiều phụ huynh trước đó, kẻ lừa đảo nói con bị chảy nhiều máu trong não và người nhà cầm máy nói chuyện với bác sỹ để biết tình trạng tai nạn của con. Bác sỹ “rởm” nói con bị hôn mê sâu, tiên lượng xấu, cần phẫu thuật gấp, người nhà mang 30 triệu đến nộp.

“Tôi nghe thông tin cũng thấy hoảng nhưng kịp trấn tĩnh vì sao con bị như thế không thấy giáo viên chủ nhiệm nói gì. Tôi gọi cho giáo viên chủ nhiệm thì được thông báo con vẫn đang học trên lớp nên yên tâm. Kẻ lừa đảo liên tục gọi, khi nghe máy tôi chỉ nói “lừa đảo à” thì bên kia tắt máy luôn” - chị Hoàng Thị H. kể.

Cũng bị lừa “con bị tai nạn” như chị H., chị Ngọc A. (Hoàng Mai, Hà Nội) liên tục bị số điện thoại 0708905396 gọi. Sợ rằng có việc quan trọng nên chị A.nghe máy thì được thông báo “Con bị tai nạn, dập não đang được cấp cứu ở bệnh viện”. Đã xem thông tin trên báo chí và cảnh báo trong những ngày qua nên chị A. trả lời “đừng lừa đảo thế, thất đức lắm” thì đầu dây bên kia dập máy.

“Chỉ sau đó khoảng 1 tiếng thì chồng tôi gọi điện cho tôi nói cũng vừa bị gọi điện với kịch bản con bị ngã bị thương nặng ở trường nên phải chuyển tiền để đưa đi bệnh viện. Vì cũng đã cảnh giác trước do đọc được thông tin trên mạng nên sau khi nghe họ nói như vậy chồng em tắt máy luôn” - chị A. nói.

Cũng trong hôm qua, trên nhóm diễn đàn hàng trăm ngàn người tham gia của phụ huynh, giáo viên, nhiều phụ huynh ở Hà Nội cũng phản ánh bị các số điện thoại 0708905396, 0764785465, 0774197026, 076.8107537, 0328817027… gọi điện lừa đảo với kịch bản “con bị tai nạn”.

Cần làm rõ việc lộ lọt thông tin cá nhân từ đâu?

Nhiều phụ huynh cũng lo lắng không hiểu vì sao kẻ lừa đảo lại biết rõ họ tên của con, con họ trường nào, lớp nào và số điện thoại của phụ huynh. “Nhà tôi cả 2 vợ chồng đều bị gọi lừa đảo. Tôi rất thắc mắc tại sao kẻ lừa đảo biết cả số bố và mẹ mà số này chỉ có trong hồ sơ trường học hay liên quan đến hồ sơ y tế thì mới có cả số của bố và mẹ, còn học trung tâm hay chỗ khác chỉ cần khai thông tin của bố hoặc mẹ. Tôi mong các cơ quan công an vào cuộc làm rõ vì sao lại có chuyện lộ lọt thông tin cá nhân dễ dàng như vậy” - chị Vân A. băn khoăn.

Trước thông tin nhiều phụ huynh phản ánh bị gọi điện lừa đảo, nhiều trường học cũng gửi tin nhắn đến phụ huynh cảnh báo cảnh giác trước thông tin lừa đảo. Chị Nguyễn Thị Hà, phụ huynh của con học tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho biết, hôm qua nhà trường cũng có cảnh báo: Hiện nay có kẻ xấu mạo danh giáo viên trường THCS Nguyễn Trường Tộ gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn và yêu cầu chuyển tiền, đề nghị phụ huynh cảnh giác và gọi điện cho cô chủ nhiệm…

Chị Phạm Thanh Bình (Thanh Xuân, Hà Nội), có con học trường PTCS Lương Thế Vinh cũng cho biết, hôm qua cô giáo chủ nhiệm lớp con của chị cũng gửi tin nhắn đến phụ huynh cảnh báo: Gần đây, các cơ quan truyền thông ghi nhận nhiều hiện tượng phụ huynh nhận được cuộc gọi thông báo học sinh bị tai nạn đang nhập viện, yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí. Kính đề nghị phụ huynh cảnh giác, liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường (0246673…) hoặc hotline: 098846…/số điện thoại GVCN 0977… hoặc tổng đài của bệnh viện để xác thực thông tin.

Trên trang Tuổi trẻ Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cũng ra thông báo cảnh báo để người dân tránh không bị rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể: Về phía nhà trường, giáo viên: cần nêu cao trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh tránh để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo; rà soát, điểm danh sĩ số đầu giờ, thông báo lên nhóm phụ huynh số lượng học sinh có mặt ở lớp hàng ngày; thiết lập đường dây nóng khi cần thông báo các vụ việc khẩn đến phụ huynh học sinh và tiếp nhận thông tin khi có tình trạng khẩn cấp.

Còn về phía người dân: Khuyến cáo toàn thể người dân tỉnh táo, đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của tội phạm. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin trường lớp của các con; thông tin việc làm, địa chỉ cơ quan của bố mẹ, người thân… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Cần kiểm tra thông tin kỹ càng, chính xác trước khi thực hiện hoạt động chuyển tiền, có thể yêu cầu xác nhận qua video trực tuyến, tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận giải quyết.

Trong mọi trường hợp, tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã OTP điện thoại, các thông tin trên CCCD, CMND, các dữ liệu cá nhân cho bất kỳ ai qua cuộc gọi trên điện thoại/email/tin nhắn/ứng dụng chatbox.

Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, thư điện tử, tài khoản ngân hàng. Thận trọng khi nhận sử dụng thư điện tử. Không nhấn vào các đường link, các liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử, trong tin nhắn mà chúng ta không chắc chắn nguồn gửi đến. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy để tránh bị đánh cắp thông tin của bản thân và các thành viên trong gia đình.

Các tin khác