Đó là tăng thời gian thu phí, tăng chi phí đầu tư, phương án tài chính cao hơn vốn đầu tư thực tế, tính sai doanh thu thu phí cầu Đồng Nai, chưa xây dựng khung định mức chi phí quản lý thu phí làm cơ sở ký kết BOT…
Phương án tài chính sai quy định
Hợp đồng dự án BOT cầu Đồng Nai được Cục Đường bộ Việt Nam và Tổng công ty Xây dựng số 1 (TCT 1) ký ngày 16-5-2008. Trong đó có thỏa thuận nhà đầu tư được thu phí tại trạm thu Sông Phan trên Quốc lộ 1 (đoạn qua Bình Thuận) để hoàn vốn và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai và đường nối 2 đầu cầu.
Tuy nhiên, thỏa thuận này được đưa vào hợp đồng trước khi có ý kiến đồng ý của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính. Quá trình kiểm toán cũng phát hiện TCT 1 không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với nhiều hạng mục đầu tư của dự án. Nhiều hạng mục đầu tư thuộc giai đoạn 3 và 4 của dự án được triển khai thi công trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) điều chỉnh là sai quy định.
Đáng lưu ý, việc tính toán, xác lập một số chỉ tiêu quan trọng trong phương án tài chính dự án của nhà đầu tư sai quy định. Cụ thể, việc tính toán một số chỉ tiêu chưa chặt chẽ, sát thực tế, dẫn đến tính toán sai thời gian hoàn vốn đầu tư dự án BOT cầu Đồng Nai là 18 năm, 4 tháng, 10 ngày.
Tại thời điểm ký kết phụ lục hợp đồng số 18/PLHĐ.BOT-BGTVT ngày 8-6-2015, Bộ GTVT và TCT 1 không căn cứ vào số tiền thu phí thực tế của tháng 4 và 5-2015 tại trạm thu phí cầu Đồng Nai để tính toán phương án tài chính dự án. Ngược lại, 2 bên chỉ căn cứ vào kết quả đếm xe 3 ngày của tháng 7-2014 và 3 ngày của tháng 11-2014 do đơn vị tư vấn thực hiện.
Do đó lưu lượng xe tính trong phương án tài chính của phụ lục hợp đồng không phản ánh sát lưu lượng xe lưu thông thực tế.
Về cơ cấu vốn đầu tư dự án, phương án tài chính chỉ tính đến vốn chủ sở hữu và vốn vay huy động từ các tổ chức tài chính, không tính đến nguồn thu tại trạm thu phí Sông Phan trong thời gian xây dựng dự án là không đầy đủ. Theo KTNN, số tiền TCT 1 thu được gần 177 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi quản lý thu, chi phí duy tu và lợi nhuận bảo toàn vốn theo thỏa thuận hợp đồng BOT.
Về cơ cấu vốn đầu tư dự án, phương án tài chính chỉ tính đến vốn chủ sở hữu và vốn vay huy động từ các tổ chức tài chính, không tính đến nguồn thu tại trạm thu phí Sông Phan trong thời gian xây dựng dự án là không đầy đủ. Theo KTNN, số tiền TCT 1 thu được gần 177 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi quản lý thu, chi phí duy tu và lợi nhuận bảo toàn vốn theo thỏa thuận hợp đồng BOT.
Mặt khác, khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng, nhà đầu tư và Bộ GTVT chưa rà soát số liệu chi phí vốn đầu tư thực tế đưa vào để điều chỉnh phương án tài chính, dẫn đến tổng mức đầu tư ghi trong phương án tài chính chênh lệch với thực tế khoảng 213 tỷ đồng. Việc tính thiếu, tính sai dẫn đến tăng chi phí vốn đầu tư dự án, tăng tỷ suất chiết khấu dự án, là một trong những thông số tài chính làm tăng thời gian hoàn vốn dự án.
Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai.
Nhập nhằng thu phí, hoàn vốn
Sau kiểm toán, KTNN đã đề nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn dự án BOT cầu Đồng Nai 7 năm, 8 tháng, 16 ngày. Như vậy TCT 1 và Bộ GTVT sẽ phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí dự án trong phụ lục hợp đồng số 18 xuống còn 10 năm, 7 tháng và 24 ngày. Nguyên nhân giảm thời gian thu phí dự án do KTNN xác định lại các chỉ tiêu trong phương án tài chính, căn cứ vào hồ sơ và số liệu thực tế của dự án đến ngày 30-9-2017 và chưa bổ sung số liệu của giai đoạn 4 dự án.
Qua kiểm tra thực tế đề án thu phí tại trạm thu phí cầu Đồng Nai, cho thấy việc theo dõi, hạch toán doanh thu thu phí được quản lý chặt chẽ, doanh thu thu phí tại trạm thu phí cầu Đồng Nai thực tế tăng so với tính toán của nhà đầu tư trong phương án tài chính. Cụ thể, doanh thu thu phí thực tế năm 2015 tăng 20%, năm 2016 tăng 30,31%, 9 tháng đầu năm 2017 tăng bình quân 58,3%.
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra một số bất cập khác trong hợp đồng BOT xây dựng cầu Đồng Nai, đó là nhà đầu tư chưa xây dựng được khung định mức chi phí quản lý thu phí để làm cơ sở ký kết hợp đồng BOT, gây khó khăn trong quá trình quản lý, kiểm tra chi phí này. Tỷ lệ tính chi phí duy tu, bảo dưỡng tại phương án tài chính và lợi nhuận bảo toàn vốn của nhà đầu tư chưa có văn bản quy định cụ thể, nên thiếu cơ sở tính toán.
Hơn nữa, lãi suất trong thời gian khai thác đối với phần vốn nhà đầu tư huy động để thực hiện dự án chưa được cập nhật kịp thời theo lãi suất thực tế để điều chỉnh thời gian thu phí, dẫn đến chi phí vốn đầu tư ghi trong phương án tài chính chưa phù hợp thực tế, ảnh hưởng đến thời gian hoàn vốn của dự án.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy số vốn thực hiện dự án đến ngày 30-9-2017 được TCT 1 báo cáo 1.696 tỷ đồng, nhưng giá trị kiểm toán xác nhận số vốn thực hiện chỉ đạt 1.620 tỷ đồng. Trong đó, giảm giá trị quyết toán khoảng 50,6 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào 1,7 tỷ đồng, giảm chi phí lãi vay 13 tỷ đồng, chi phí chưa đủ điều kiện thanh toán 16,4 tỷ đồng…
Dự án BOT cầu Đồng Nai có tổng mức đầu tư sau 4 lần điều chỉnh khoảng 3.141 tỷ đồng. Nhưng số vốn đầu tư thực hiện được kiểm toán xác nhận đến thời điểm 30-9-2017 là 1.787,1 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn huy động 1.182 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 428 tỷ đồng, nguồn tiền thu từ trạm thu phí Sông Phan trong thời gian thực hiện dự án khoảng 176 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào khai thác. |