Hàng ngàn điểm khai thác khoáng sản không qua đấu giá

(ĐTTCO) - Thực trạng này được ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nêu ra khi tranh luận với Bộ trưởng TN-MT về công tác quản lý hoạt động khoáng sản.

ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh). Ảnh: QUANG PHÚC

Dẫn số liệu trong 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Bộ TN-MT đã cấp 441 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND các tỉnh, thành cấp khoảng 3.000 giấy phép nhưng chỉ có hơn 800 khu vực thông qua đấu giá. Tỷ lệ cấp quyền thông qua đấu giá thấp dù khi đấu giá, giá tăng 20-40% so với khởi điểm.

ĐB Hậu đặt câu hỏi: “Vậy theo Bộ trưởng, có chắc chắn rằng hàng ngàn khu vực cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá là đúng quy định không”?

Nhắc lại phát ngôn của Bộ trưởng TN-MT về việc “sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản”, ĐB Hậu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ đang do các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để huy động nguồn lực xã hội vào khai thác khoáng sản hay không?

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản, có 7 nội dung về khoáng sản thiết yếu, chiến lược không qua đấu giá. “Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta đang giao Tập đoàn Than - Khoáng sản thực hiện khai thác mỏ than. Thẩm quyền của Bộ TN-MT hầu như là cấp phép cho 7 nội dung này (không qua đấu giá). Do đó, có tình trạng con số Bộ TN-MT cấp phép không qua đấu giá cao”, ông Khánh giải thích.

Về đề xuất đấu giá các mỏ do doanh nghiệp Nhà nước thăm dò, Bộ trưởng cho biết các mỏ mà doanh nghiệp Nhà nước đã thăm dò thì chắc chắn doanh nghiệp được ưu tiên cấp phép khai thác. Trường hợp doanh nghiệp thăm dò không làm nữa thì phải báo cáo để Nhà nước thu hồi và tổ chức đấu giá.

Giải pháp cho tình trạng ngập úng đô thị

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nhiều đại biểu chất vấn các nội dung có liên quan đến Bộ Xây dựng. Cuối buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội mời Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời thêm về các nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Hồi đáp ý kiến về tình trạng ngập úng đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị liệt kê 5 lý do. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Cùng với đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến nhu cầu xây dựng tăng cao, dẫn đến san lấp ao, hồ, kênh, rạch. “Diện tích bề mặt ngày càng được bê tông hóa, thu hẹp diện tích thoát nước tự nhiên”, ông Nguyễn Thanh Nghị nhận định.

Ba nguyên nhân tiếp theo được người đứng đầu ngành xây dựng thẳng thắn chỉ rõ, gồm công tác quy hoạch chưa đảm bảo yêu cầu dự báo và đáp ứng yêu cầu chống ngập úng đô thị; việc lập và triển khai dự án theo quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; và ý thức một bộ phận người dân chưa cao khi vứt rác thải, cản trở dòng chảy thoát nước.

Bộ trưởng Xây dựng cho biết giải pháp thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước… Cùng với đó là nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch đô thị; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị; rà soát, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương trong xử lý nước thải đô thị.

Các tin khác