Nhờ sự thỏa hiệp của trào lưu “sính ngoại”, thời gian gần đây hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ và không có xuất xứ bắt đầu làm mưa làm gió trên thị trường.
Hàng ngoại giá cao vẫn hút hàng
Đến những siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) lớn như Lotte Mart, Parkson, Diamond Plaza, CitiMart, Maximark, BigC, Co.opMart, có thể dễ dàng nhận thấy thị phần hàng trong nước năm nay giảm đáng kể. Tại khu vực trưng bày thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát ở CitiMart, hàng ngoại chiếm trên 70%, trong đó có nhiều mặt hàng được quảng bá và có chương trình khuyến mại rầm rộ.
Tại Maximark 3-2, khu vực trưng bày hàng điện máy, điện gia dụng, bánh kẹo, nước giải khát, rượu, quần áo thời trang… hàng ngoại lấn lướt hàng nội cả về diện tích và số lượng trưng bày. Đặc biệt là khu vực trưng bày các sản phẩm sữa bột, sữa nước và các sản phẩm liên quan đến sữa có thêm rất nhiều loại mới, trong đó hàng ngoại chiếm khá nhiều.
Dòng sữa nước trước đây chỉ có sản phẩm trong nước nay còn có thêm các sản phẩm mới nhập khẩu từ New Zealand, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan…
Theo lý giải của các nhà phân phối, hàng ngoại hiện được bày bán nhiều hơn hàng nội do họ gia tăng nhập khẩu để nguồn hàng phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Không chỉ chiếm ưu thế tại các kênh phân phối hiện đại, gần đây bánh kẹo Trung Quốc, Indonesia… còn được tiếp thị và chào hàng tới tận các trường học, công viên và nhà thiếu nhi.
Xét về giá, hàng trong nước thấp hơn nhiều so với hàng ngoại. Thí dụ, bánh xốp Finery 120 gram của Kinh Đô giá chỉ có 14.000 đồng/hộp, nhưng sản phẩm bánh xốp Gussen cùng trọng lượng nhập của Thái Lan giá đến 19.000 đồng/hộp.
Cùng là sữa nước tiệt trùng có thể tích 220ml với thành phần vi chất giống nhau nhưng hàng nhập giá đến 10.000 đồng/hộp, trong khi các sản phẩm cùng loại của Nutifood hoặc Vinamilk giá chỉ khoảng 6.000 đồng/hộp. Điều nghịch lý là hàng ngoại vẫn được ưa chuộng hơn, tiêu thụ mạnh hơn.
Không chỉ có bánh kẹo và đồ uống ngoại được chuộng mà các sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách hàng hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như Guess, Bata, Levi’s, Movado, Victoria’s Secret, Nine West, Clarks, Chanel… cũng được phụ nữ Việt Nam yêu thích.
Trong khi hàng Việt ế ẩm và chất đống ở nhiều siêu thị thì tại các trung tâm lớn như Vincom, Parkson Flaminton… mỗi khi có chương trình khuyến mại dành cho khách hàng có thẻ VIP, các quầy hàng kinh doanh những sản phẩm trên chỉ trong vài giờ đã hết. Dù trung bình giá mỗi sản phẩm trên sau khi đã “sale off” từ 50-70% vẫn có giá hàng triệu đồng mỗi sản phẩm.
Hàng nội bị o ép trên sân nhà
Bên cạnh các hoạt động khuyến mại thường xuyên, chiết khấu cao, các nhãn hàng ngoại còn có chính sách trả phí trưng bày cho người bán rõ ràng và lâu dài. Cụ thể, chỉ cần tiểu thương đặt đúng số lượng hàng, vị trí sẽ được trả từ 300.000-500.000 đồng/tháng, tùy từng nhãn hàng, có nhãn trả lên tới 2,3 triệu đồng/tháng nên các vị trí “mặt tiền” của những gian hàng tại các chợ truyền thống vẫn luôn là vị trí “bất khả xâm phạm” của những nhãn hàng nhập khẩu.
![]() |
Khách hàng xem sản phẩm tại siêu thị BigC. Ảnh: LÃ ANH |
Không chỉ vậy, thời gian gần đây các nhãn hàng ngoại nhập còn quảng bá bài bản, rầm rộ trên các phương tiện truyền thông và “ăn theo” các bộ phim hoạt hình, đồng thời tiếp thị và chào hàng trực tiếp đến tay khách hàng. Nhiều thương hiệu quốc tế mặc dù mới xuất hiện nhưng đã bám rễ vững chắc tại thị trường Việt Nam. Nhiều nhãn hàng nhập khẩu có giá gấp đôi hàng trong nước cùng loại nhưng vẫn tăng trưởng mạnh.
Thương hiệu bánh Tous Les Jours và Break Talk là một thí dụ. So với các thương hiệu trong nước như Kinh Đô, ABC, Hỷ Lâm Môn, giá sản phẩm của 2 thương hiệu trên cao hơn gần gấp đôi nhưng vẫn phát triển khá nhanh. Tous Les Jours hiện đã phát triển được tới 14 cửa hàng và Break Talk chỉ mới vào Việt Nam chưa đầy 2 năm (2010) nhưng hiện có đến 5 cửa hàng tại TPHCM.
Nhiều thương hiệu lớn nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh và nhanh của Việt Nam trong những năm gần đây, đã không ngại đầu tư mạnh và đưa ra nhiều chiến lược phát triển lâu dài bằng cách chiết khấu “khủng” cho các đại lý như trường hợp của Amway, Avon và sắp tới là Nu Skin.
Đại diện một DN may mặc trong nước cho biết: “Đối với các DN trong nước, các siêu thị đòi chiết khấu quá cao (tùy theo siêu thị mức chiết khấu này hiện dao động từ 15-30% trên tổng doanh thu)”.
Tuy vậy, ông Phan Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc bán hàng Miền Đông của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho rằng hàng Việt vẫn có những lợi thế cạnh tranh nhất định. Đó là thương hiệu gần gũi, giá cả hợp lý, có mùi vị và công thức pha chế sản xuất phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng; thời hạn sử dụng dài hơn so với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế trên, hiện nay phần lớn các DN nhỏ và vừa trong nước do không có kinh phí và chiến lược quảng bá rõ ràng cộng với với tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng, nên hàng Việt vẫn rất gian nan trong việc tìm chỗ đứng và thường bị o ép ngay trên “sân nhà”.