Giới thượng lưu Trung Quốc thay vì nằm bắt cơ hội đầu tư, đã bắt đầu chuyển sang bảo vệ tài sản của họ. Họ là những người mà bao năm qua đã hưởng lợi từ nền kinh tế tăng trưởng bùng nổ và thái độ thoải mái của quan chức đối với tài sản cá nhân.
Năm 2021, cứ mỗi tuần lại có một tỷ phú mới xuất hiện ở Trung Quốc, khiến tổng số tỷ phú ở quốc gia này lên hơn 750 người, nhiều hơn cả Ấn Độ, Nga và Đức cộng lại. Theo Bloomberg Billionaires Index, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ với 830 tỷ phú.
Nhưng tất cả đã thay đổi. Các quan chức đã đảm bảo rằng nỗ lực thịnh vượng chung không phải là "cướp của người giàu", nhưng là để thu hẹp chênh lệch giàu nghèo đang được báo động.
Trung tâm của những lo lắng là sự không chắc chắn về ý nghĩa thực tế của mục tiêu thịnh vượng chung mà ông Tập nhắc đến và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cho đến nay, Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế với một loạt các ngành công nghiệp. Điều này kéo theo hàng loạt các hoạt động từ thiện (một dạng được xem như hình thức khác của việc tái phân phối tài sản). Chính quyền hiện đang công khai cân nhắc một loại thuế tài sản mới.
Echo Zhao, đối tác cố vấn cho giới siêu giàu tại công ty luật Thượng Hải SF, nói rằng: "Một vài năm trước, mọi người chỉ quan tâm đến cách để đầu tư". Hiện tại, họ không còn háo hức nắm bắt lấy cơ hội.
Tỷ lệ tỷ phú Trung Quốc trong Bloomberg Billionaires Index.
Cuộc chạy trốn vô hình
Các nhà quản lý cho biết, họ đơn giản là đang cố gắng tránh gây sự chú ý không mong muốn, đặc biệt là trên mạng xã hội. Trong năm 2020, người dùng mạng xã hội đã sử dụng các bài đăng để tấn công những người nổi tiếng, các nhà khoa học hoặc bất cứ ai được coi là không trung thành với đất nước.
Wang Xing, người sáng lập công ty giao đồ ăn Meituan, đã mất 2,5 tỷ USD sau một bài đăng mạng xã hội được cho là chỉ trích chính phủ. Nữ diễn viên Trịnh Sảng bị điều tra về trốn thuế và đã bị yêu cầu trả 46 triệu USD sau bê bối nổ ra trên mạng xã hội.
Một cố vấn tài chính ở Hồng Kông cho biết, giới nhà giàu ngày càng rời xa các phương tiện truyền thông xã hội bao gồm Weibo, nền tảng giống Twitter. Họ cũng từ chối những cuộc phỏng vấn trên truyền thông và vận động đóng góp từ thiện thông qua công ty của họ để trở nên kín tiếng hơn.
Chuyển tiền
Không lâu trước đây, không có gì là bất ngờ khi giới siêu giàu Trung Quốc biết chính xác cân nặng của 1 triệu NDT tính theo HKD là bao nhiêu kilogram. Điều này là dấu hiệu cho thấy họ đã chuyển tiền mặt ra nước ngoài. Những quy định kiểm soát khắt khe giới hạn công dân gửi 50.000 USD ngoại tệ hàng năm, vì vậy giới nhà giàu đã phải tìm kiếm cách để gửi tài sản của mình ra nước ngoài.
Luật mới sau đại dịch Covid-19 đã khiến việc này trở nên khó khăn hơn. Biên giới đóng cửa và các chính sách cách ly y tế đã chặn đứng cơ hội rời khỏi Trung Quốc, cho dù là có mang theo một vali đầy tiền hay không. Bắc Kinh cũng cấm không cho người dân Trung Quốc giao dịch tiền điện tử, thứ có thể trở thành một phương thức phổ biến mới để chuyển tiền ra nước ngoài.
Điều này đã dẫn đến việc gia tăng nhu cầu chuyển đổi tiền mặt và các chi phí tương ứng tăng. Các chủ ngân hàng tư nhân nói rằng một số khách hàng đã phàn nàn về việc trả đến 20% tiền phí so với số tiền của một năm trước.
Đối với những người muốn tự thực hiện, có một cách chuyển tiền ngang hàng, nơi mà về mặt kỹ thuật không hề có tiền chuyển qua biên giới. Một người có thể chuyển tiền nội địa cho người khác ở Trung Quốc. Sau đó, người nhận sẽ chuyển trả lại lượng tiền tương ứng cho người ban đầu từ hai tài khoản nước ngoài.
Chuyển tiền ngang hàng là cách để có thể chuyển tiền ra ngoài Trung Quốc. Minh hoạ: Bloomberg
Tìm cách uỷ thác tài sản
Theo một quan chức ngân hàng cấp cao, hiện tại ở Trung Quốc không đánh thuế thừa kế, nhưng giới nhà giàu lo lắng rằng đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mối bận tâm này đã làm gia tăng sự quan tâm đến quỹ tín thác gia đình, được tạo ra để truyền lại tài sản, phân tách và bảo vệ tài sản. Được hình thành từ gần một thế kỷ trước, tài sản uỷ thác có thể lên đến 1,6 tỷ USD cho đến cuối năm 2021, theo ước tính của Ngân hàng Thương gia Trung Quốc.
Nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu quỹ tín thác có thể sử dụng bởi vì hình thức này ở Trung Quốc vẫn quá mới. Để tăng cường khả năng bảo vệ, nhà quản lý uỷ thác ở Bắc Kinh nói với khách hàng duy trì quyền kiểm soát càng ít càng tốt, đối với bất kỳ tài sản nào trong quỹ. Điều này có thể khó đối với các doanh nhân nếu họ muốn sở hữu cả chứng khoán.
Vì có sự không chắc chắn về các lựa chọn ở trong nước, các quỹ tín thác nước ngoài có nhiều mối quan tâm ổn định hơn. Đảo Cayman, Bermuda, Đảo Virgin thuộc Anh và các nơi khác rất phổ biến trong việc bảo vệ tài sản tài chính khỏi những thách thức về pháp lý.
Đa dạng các cổ phiếu đang nắm giữ
Adrian Zuercher, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu tại Văn phòng đầu tư của UBS Global Wealth Management, cho biết đối với các nhà đầu tư trong nước, thịnh vượng chung mang lại sự không chắc chắn. Ông nói: "Chúng tôi thận trọng với các khu vực có tính chiến lược và khuyên khách hàng xem xét đến năng lượng tái tạo và xe điện, những lĩnh vực hưởng lợi nhuận từ chính sách tập trung vào đổi mới và công nghệ xanh".
Các nhà cố vấn cũng thúc đẩy các khách hàng Trung Quốc của họ tiếp cận với thị trường quốc tế nhiều hơn. Ở Trung Quốc, cũng giống những nơi khác, rất nhiều danh mục đầu tư được phân bổ quá nhiều cho các công ty trong nước. Các sàn giao dịch của Trung Quốc chiếm khoảng 10% so với vốn hoá thị trường chứng khoán toàn cầu. Nhưng một ngân hàng tư nhân quốc tế ước tính rằng các khách hàng Trung Quốc "nắm giữ khoảng 30-50% tài sản của họ trong thị trường nội địa".