Dù người tiêu dùng đang quay lưng với hàng Trung Quốc do lo ngại chất lượng, nhưng với ưu điểm giá rẻ, mẫu mã đa dạng hàng Trung Quốc vẫn có mặt ở nhiều khu vực mua bán sầm uất trong dịp Tết Ất Mùi.
Tràn lan hàng không nhãn mác
Khu chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) những ngày này không khí mua sắm hết sức tấp nập. Sạp nào cũng đầy ắp hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp năm hết tết đến. Ghé vào khu bán bánh kẹo, rau câu, đồ sấy khô, các loại mứt… người mua dễ bị hoa mắt bởi hàng núi túi bánh kẹo lớn nhỏ được bán theo ký. Một điểm chung dễ thấy là khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ hầu hết người bán đều khẳng định rằng không phải hàng Trung Quốc.
“Bây giờ bán hàng Trung Quốc ai mua, tất cả hàng bán tại sạp tôi là hàng Việt Nam, Thái Lan và Malaysia” - một chủ sạp nói. Thế nhưng không khó để người mua có thể tìm thấy rất nhiều bánh kẹo có chữ Trung Quốc, cùng với đó rất nhiều loại bánh mứt, đồ sấy khô như mít, chuối không rõ nguồn gốc. Chúng thường được đựng chung trong những túi nilon và phân biệt nhau bằng những chiếc biển nho nhỏ cắm phía trên.
Thực ra, khi quan sát khá nhiều sạp buôn bán ở đây cũng không khó nhận ra người bán, người mua buôn chẳng mấy ai quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ những hàng hóa này. Người mua cứ đến đánh hàng bao tải lớn nhỏ. Chính vì thế khi đi vài ba sạp xung quanh, hỏi han chúng tôi đã nhận được những ánh mắt dò xét của người bán.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh. |
Rời khỏi khu chợ Bình Tây, chúng tôi đến một khu chợ khác không kém phần tấp nập ở TPHCM là chợ An Đông (quận 5). Ở đây người ta cũng bày bán đủ thứ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Ghé vào một sạp bán đồ khô chúng tôi hỏi thăm mua bò khô với số lượng nhiều để đi biếu, chị bán hàng khẳng định ngay ở đây là hàng Việt Nam 100%, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị này còn giới thiệu thêm một số đặc sản như khô nai, khô cá lóc, rồi vài món ăn chơi như cua sữa… và nhiệt tình mời người mua ăn thử đủ thứ. Song khi chúng tôi hỏi thăm hàng hóa, đặc biệt hàng thực phẩm sao không có nhãn mác của nhà sản xuất, hạn sử dụng, chị này cho biết đây là hàng của các cơ sở nhỏ sản xuất nên không có bao bì nhãn mác.
Còn nhớ thời điểm cuối năm ngoái, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết năm 2014 lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra việc buôn bán tại 1.400 DN, hộ kinh doanh. Theo đó đã phát hiện và tịch thu hơn 7 triệu đơn vị sản phẩm và 539 tấn các mặt hàng tiêu dùng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu như quần áo, mỹ phẩm, bia rượu... Các vụ vi phạm năm 2014 là 7.100 vụ, tăng 104,69% so với năm trước. Phần lớn các mặt hàng này có xuất xứ Trung Quốc.
Có thể thấy, tại những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội các siêu thị, trung tâm thương mại đang ngày càng nhiều song hiện nay nó vẫn còn chiếm một con số khá khiêm tốn so với chợ truyền thống. Và thông thường chất lượng hàng hóa ở những khu chợ này thường chỉ được khẳng định qua lời người bán. Thậm chí không ít người mua không quan tâm chất lượng vì mua về bán lẻ, không tiêu dùng cho gia đình. Bình Tây, An Đông chỉ là 2 trong số rất nhiều khu chợ mua bán sầm uất tại TPHCM.
Mua vì giá rẻ
Như đã nói ban đầu với ưu điểm giá rẻ nên hàng Trung Quốc vẫn còn ngự trị tại nhiều điểm mua sắm. Khác với các loại thực phẩm nguồn gốc phải lấp liếm, những sản phẩm như quần áo, túi xách, đồ trang trí nhà cửa… lại được người bán khẳng định là hàng Made in China. Tại rất nhiều khu bán đồ trang trí tết như tại chợ Bình Tây, hay khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, Tháp Mười… khi người mua hỏi về nguồn gốc sản phẩm đã được người bán nhiệt tình chỉ khá rõ đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng Trung Quốc.
Có thể thấy một điều hàng Việt Nam bắt đầu tham gia nhiều hơn vào mảng này, song về mẫu mã chưa đa dạng và giá thành vẫn cao hơn. Theo một số người bán hàng chỉ người mua lẻ ưu tiên mua hàng Việt Nam, còn người mua buôn mang về các tỉnh lẻ thích hàng Trung Quốc hơn.
Ra khỏi những điểm bán đồ trang trí, bước vào thế giới thời trang, không chỉ ở những khu chợ mà rất nhiều cửa hàng bán quần áo, túi xách lớn nhỏ đều tràn ngập hàng Trung Quốc. Các thương hiệu thời trang Việt Nam gần như nằm lọt thỏm giữa trùng vây này. Tất nhiên người mua rất rõ nhưng cũng chấp nhận vì hàng Trung Quốc giá rẻ.
Cũng có một bộ phận người tiêu dùng muốn quay lưng với hàng Trung Quốc để tìm đến các thương hiệu Việt hoặc chỉ đơn giản là mua hàng Việt Nam xuất khẩu được bày bán khá nhiều ở các trung tâm mua sắm như Saigon Square hay Tara…
Song trên thực tế, sản phẩm được cho là hàng Việt Nam xuất khẩu ở một số trung tâm cũng không ai dám chắc có phải đúng hàng Việt hay không. Những ngày cuối tháng 12 năm ngoái, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đồng loạt kiểm tra các cửa hàng kinh doanh tại chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (quận 1, TPHCM) thu giữ hàng ngàn sản phẩm hàng hóa không hóa đơn chứng từ, nghi là hàng giả. Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm gồm dây nịt, giày dép, mắt kính, túi xách, đồng hồ đeo tay… vi phạm về hóa đơn chứng từ, có nhiều sản phẩm nghi là hàng giả do Trung Quốc sản xuất.
Trước Tết Nguyên đán vài tháng, khi các đại gia bán lẻ Thái Lan khuynh đảo thị trường Việt Nam bằng những thương vụ mua bán - sáp nhập, nhiều dự báo cho rằng tết này hàng Thái sẽ tràn ngập thị trường. Song cho đến nay dường như hàng Trung Quốc vẫn đang bủa vây người tiêu dùng.