Hàng tỷ thông tin cá nhân của người Việt bị mua bán: Làm sao để ngăn chặn?

(ĐTTCO) - Số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, vị trí công tác, nơi làm việc… đều bị rao bán. Các DN, tổ chức làm lộ lọt thông tin…phải chịu trách nhiệm ra sao?
Hàng tỷ thông tin cá nhân của người Việt bị mua bán: Làm sao để ngăn chặn?

Một trong những nhóm kín mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội với hơn 18.000 thành viên. Các thông tin được phân loại rồi mới rao bán. Từ bất động sản, tài chính, ngân hàng, làm đẹp, sức khỏe đến thông tin những người có ô tô, những người có thu nhập trên 10 tỷ đồng. Những tài khoản bán đều là ẩn danh, không sử dụng ảnh và thông tin thật.

Công ty VNG từng để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng. Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng của khách hàng. Chỉ vì sơ suất, không ít công ty, tổ chức đã vô tình để tin tặc chiếm đoạt được dữ liệu cá nhân.

Trên thế giới, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… hết sức coi trọng. Theo thống kê, hiện nay đã có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tại Nhật Bản, Luật Bảo vệ thông tin cá nhân quy định các công ty kinh doanh tại Nhật Bản nếu vi phạm được coi là tội phạm hình sự, còn cá nhân có thể bị phạt tù 6 tháng, khoản tiền phạt là hơn 2.100 USD.

Tại Liên Minh Châu Âu, Luật Bảo vệ dữ liệu yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về cách thu thập thông tin cá nhân, địa điểm lưu trữ dữ liệu, loại hình dữ liệu được phép chia sẻ. Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm sẽ có nguy cơ đối mặt với mức phạt lên tới 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu hàng năm.

Còn tại Mỹ, các đạo luật của chính quyền các tiểu bang và của liên bang gần đây được ban hành với một số quy định mới nhằm đảm bảo cho vấn đề an ninh được an toàn và chặt chẽ hơn. Apple hay Google đã từng bị phạt hàng chục triệu USD vì thu thập dữ liệu của người dùng.

Tại Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore đã có đạo luật riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân được ban hành năm 2012 thì hầu hết các quốc gia còn lại đều chưa có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, mà được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Từ 1/7 tới đây, khi Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực, với những chế tài mạnh hơn, răn đe hơn như số tiền phạt hành chính nhiều hơn, hình sự hóa ở mức phạt tù cao hơn, chắc hẳn những tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ thuyên giảm.

Tuy nhiên, để ngăn chặn từ nguồn, mỗi người dùng, mỗi người dân hãy coi dữ liệu cá nhân là một loại tài sản quý giá cần bảo vệ, không nên dễ dãi chia sẻ tài sản là số CCCD, địa chỉ nhà ờ, địa chỉ cơ quan, số điện thoại hay các thông tin khác cho bên thứ ba mà không được đảm bảo.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay để cung cấp thêm thông tin để làm rõ hơn về vấn đề này.

Các tin khác