Hàng Việt ngược dòng qua Thái

(ĐTTCO) - Câu chuyện hàng Thái đổ vào Việt Nam đã rõ, nhưng để làm việc ngược lại đưa hàng Việt qua Thái đang được bàn tính khá nhiều và con đường vào thị trường Thái Lan vẫn còn nhiều gian nan. 
 
Mình có gì họ có đó

Những sản phẩm như bánh tráng, bún gạo, phở khô, miến dong… của Công ty thực phẩm Phúc An Nhiên hiện đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Australia. Thời gian đầu do chưa quen thị trường công ty chọn hướng gia công cho các nhà nhập khẩu, nhưng từ năm 2012 đã bắt đầu có những đơn hàng thương hiệu của riêng mình.
Thời gian này, Phúc An Nhiên đang nỗ lực mở rộng thêm các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Và theo đánh giá của ông Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty, con đường sang các thị trường mới không có gì quá khó vì Phúc An Nhiên đã chuyên nghiệp hóa khi làm việc với các đối tác khó tính. Chinh phục thị trường khó rất tự tin, nhưng khi được hỏi có quan tâm đến các thị trường khu vực ASEAN, đặc biệt Thái Lan hay không, ông Kiên e dè vì những sản phẩm như của Phúc An Nhiên, thị trường Thái có nhiều và rất khó cạnh tranh nổi. 

Thực ra nỗi lo của ông Kiên cũng không có gì lạ, nhiều DN Việt Nam cũng lo ngại khi muốn đưa hàng qua Thái Lan do tính tương đồng hàng hóa 2 bên khá cao. Chia sẻ sau chuyến tham dự tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, ông Nguyễn Xuân Tồn, Giám đốc Công ty cà phê Long Triều, thẳng thắn nhìn nhận sản phẩm cà phê không xa lạ gì với người Thái nên cũng không dễ đưa hàng vào.
Song vì thưởng thức cà phê luôn đi kèm với gu nên Long Triều vẫn hy vọng: “Một số khách du lịch Thái Lan khi thưởng thức cà phê của chúng tôi ở Việt Nam đã tỏ ra khá thích thú, vì thế tôi tin cơ hội cho DN mình vẫn có”. 

Tương tự ông Tồn, nhiều DN Việt Nam dù biết Thái Lan có những mặt hàng tương đồng nhưng vẫn mạnh dạn tham dự các hội chợ như Công ty thực phẩm Bích Chi, chuyên sản xuất các sản phẩm hủ tiếu, phở, miến, bún gạo, phồng tôm…
Trong tháng 8 vừa qua, Bích Chi đã 2 lần qua Thái Lan giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu của Thái. Đó là lần tham dự hội chợ quốc tế ASEAN - Ấn Độ tại Bangkok và sau đó là tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan. Ngay trong dịp tham dự hội chợ quốc tế ASEAN - Ấn Độ, Bích Chi đã tiếp xúc với 8 nhà phân phối của đất nước Chùa Vàng. Nhưng để tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm đến việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối tại Thái Lan vẫn là hành trình đầy gian nan.

Trong câu chuyện chia sẻ của mình, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận thấy các DN Việt Nam gặp gỡ các nhà phân phối Thái Lan trong khuôn khổ hội chợ quốc tế ASEAN - Ấn Độ cũng rất chuyên nghiệp và tự tin khi giới thiệu hoạt động và sản phẩm của mình ngay trên đất Thái với người Thái. “Biti’s và Điện Quang, Bút bi Thiên Long chuyên nghiệp nhất, gây thiện cảm từ người giới thiệu đến video bằng tiếng Thái” - bà Hạnh kể.

Tuần lễ hàng Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Central Plaza Ladprao Bangkok, Thái Lan. 

Rút ngắn khoảng cách

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và Thái Lan đạt 8,28 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan 2,64 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 5,64 tỷ USD, nhập gần 3 tỷ USD, tăng 465 triệu USD so với mức nhập siêu cùng kỳ năm 2016. Vì thế việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Thái Lan là điều hết sức cần thiết để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu. Thực tế, Thái Lan là thị trường lớn dân số đông thứ 4 Đông Nam Á và sức mua cũng rất lớn. Đất nước Chùa Vàng rất mạnh về du lịch, nên mở được cánh cửa này sẽ giúp mở thêm nhiều cánh cửa khác. 

Việc “đánh chiếm” thị trường Thái Lan với hầu hết các sản phẩm tương đồng không dễ nhưng cũng không phải quá khó. Một thí dụ dễ nhận thấy nhiều mặt hàng Thái khi bán tại thị trường Việt Nam thậm chí còn thua hàng Việt. Như nước mắm Thái Lan không đậm đà như nhiều thương hiệu Việt. Ngay cả các sản phẩm hóa mỹ phẩm Thái, lâu nay vẫn được tin tưởng tuyệt đối về chất lượng, nhưng không phải loại nào cũng tốt, mẫu mã đẹp. Hay như xoài sấy, mít sấy của Thái rất nhiều, nhưng vì Vinamit không sử dụng hương liệu tạo màu tạo mùi và có nguồn gốc organic nên các sản phẩm  được nhà nhập khẩu ưa thích.

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng Thái cũng bắt đầu quan tâm đến sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Nhưng để cạnh tranh cần một bài toán phải tìm được lời giải cho 3 yếu tố chất lượng, giá thành và mẫu mã bao bì vì nền sản xuất của Thái Lan phát triển hơn Việt Nam. Câu chuyện chất lượng người Thái rất khắt khe với sản phẩm nhập khẩu, nhưng Việt Nam có thể đảm bảo được. Riêng chuyện bao bì sản phẩm, điểm yếu của nhiều DN Việt, nếu không sớm khắc phục sẽ khó bước vào con đường xuất khẩu.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, chia sẻ: “Từ việc được lòng đến chinh phục là một hành trình dài khó khăn. Đó là lý do để hàng Việt cần đổi mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại Thái Lan. Quan trọng là việc xuất hàng qua kênh bán lẻ sẽ tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng để có kế hoạch điều chỉnh khâu thiết kế sản phẩm phù hợp đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ người dùng”.

Các tin khác