(ĐTTCO) - Mẫu mã kém, chất lượng chưa tốt, giá thành khó cạnh tranh do mối liên kết giữa khâu sản xuất và phân phối chưa rõ ràng, khiến hàng Việt dần bị mất thị phần ngay trên sân nhà.
Không phải đến khi các đại gia nước ngoài nhăm nhe đổ bộ thị trường bán lẻ Việt Nam, từ trước đó, người Việt đã quen với việc mua được hàng hóa từ các nước lân cận. Hàng Trung Quốc vẫn chiếm thị phần khá lớn, song đã bị cạnh tranh bởi các nước khác như Thái Lan, Lào, Campuchia và một phần nhỏ Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu...
Hà Nội: Hàng Thái thống trị từ kem đánh răng đến khăn mặt
Từ khăn mặt, kem đánh răng cho đến mỹ phẩm, các phụ kiện gia đình, chị Nguyễn Thanh Trà (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) đều ghé vào cửa hàng chuyên đồ Thái Lan để mua. Không hẳn giá thấp hơn thị trường mà theo chị, hàng Thái nhiều mẫu mã, có độ bền cao.
"Đơn cử như một chiếc khăn mặt sản xuất ở Việt Nam có giá 20.000 đồng, nhưng chỉ dùng được 3 tháng là tã. Hàng Thái giá tới 35.000-40.000 đồng, dùng 4-5 tháng vẫn còn nguyên sợi. Tính ra, hàng Thái vẫn rẻ hơn hàng Việt", chị Trà cho hay.
Trên một đoạn đường 2 km vào nhà chị Trà, chỉ trong vòng nửa năm đã mọc lên 3 cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan. Hàng nào cũng khách ra vào tấp nập, chẳng mấy khi vắng.
"Tôi thường lựa chọn sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan bởi có uy tín. Trong khi đó, hàng Việt bây giờ thật giả lẫn lộn, rất khó phân biệt. Rất nhiều lần tôi mua sản phẩm bên ngoài quảng cáo hàng Việt Nam nhưng tem mác bên trong thì ghi 'Made in China'", chị Trà chia sẻ.
Còn theo chị Nguyễn Thùy Thanh (Đống Đa, Hà Nội), nếu so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thì đồ Thái Lan có giá nhỉnh hơn cả Việt Nam, Trung Quốc. Song, mức giá không quá đắt, chất lượng tốt nên túi tiền của người thu nhập mức trung bình người Việt là hợp lý.
Theo khảo sát của phóng viên, trên một số tuyến phố tại Hà Nội như Cầu Giấy, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh…, cửa hàng bán hàng Thái đang xuất hiện ngày càng nhiều. Không những thế, tại các trung tâm thương mại, siêu thị như như Aeon Mall, Fivimart, Metro... các sản phẩm từ quần áo, giày dép đến khăn mặt, chậu, khay nhựa, dầu gội, mỹ phẩm có xuất xứ Thái Lan xuất hiện thậm chí nhiều hơn cả hàng Việt.
Nguyễn Minh Tâm, chủ cửa hàng chuyên đồ Thái tại Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước đó chị bán hàng đồng giá Trung Quốc. Thế nhưng người mua ít dần, rủi ro do độ bền kém nên chị chuyển sang bán đồ Thái. Với kinh nghiệm bán hàng hơn 2 năm nay, chị Tâm cho rằng, hàng Thái đang thực sự được lòng người tiêu dùng Việt.
Theo đánh giá của chủ hàng này, giá mặt hàng Thái Lan chỉ cao hơn 10-15% so với hàng Việt. Song, chủng loại hàng hóa phong phú, có thương hiệu nên được khách ưa chuộng hơn cả. Chị Tâm cho biết, ngoài Thái Lan thì hàng xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang được phân khúc khách hàng có thu nhập nhỉnh hơn lựa chọn nhiều.
Hàng Campuchia chiếm lĩnh thị trường TP HCM
Trong khi hàng Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Hàn đang chiếm thị phần khá lớn ở miền Bắc thì tại miền Trung, Nam, sản phẩm xuất xứ từ Lào, Campuchia cũng có vị thế áp đảo.
Tại chợ Bình Tây (chợ Lớn), quận 6 (TP HCM), thương hiệu cá Biển Hồ Campuchia được nhiều cửa hàng sử dụng để kéo khách. Cùng một dòng sản phẩm, nhưng hàng Campuchia cao hơn 25-40% so với trong nước. Nhiều loại mứt đặc sản của Campuchia đang được người dân TP HCM ưa chuộng như mứt xoài keo 45.000 đồng/kg, gạo 19.000 đồng/kg, lạp xưởng 100.000 đồng/kg…
Bà Trương Hồng, tiểu thương ở chợ Bình Tây cho biết, cuối năm, các loại đặc sản của Campuchia đội giá gần gấp đôi song vẫn có nhiều khách mua. Mỗi ngày cửa hàng bà nhập và xuất hơn 500 kg thực phẩm khô, bánh mứt ngoại.
Để có hàng bán, chủ hàng phải liên hệ trước 15-20 ngày với đầu mối ở cửa khẩu. Theo các chủ cửa hàng tại đây, mức tiêu thụ hàng Campuchia, Thái Lan, Lào… cao gấp 2-3 lần so với hàng trong nước.
Các loại thực phẩm khô, lạp xưởng, đường thốt nốt, khô bò,cá… đang được người tiêu dùng ưa chuộng ở TP HCM. |
Theo bà Hồng, các loại bánh, mứt, thực phẩm khô của nước bạn có thương hiệu, hình thức đẹp. Đặc biệt thịt khô được làm bằng máy với công nghệ sấy tiên tiến có độ dày đều, mùi vị đậm đà.
Trong khi đó tại chợ Lê Hồng Phong (chợ Campuchia) ở quận 10, mỗi ngày, hàng tấn thực phẩm khô được nhập từ Campuchia về để bán lẻ và phân phối cho các đại lý trong và ngoài TP HCM.
Chị Tư Xê, chủ một cửa hàng thực phẩm khô cho biết, đang vào mùa Tết, nhiều loại lạp xưởng, đường thốt nốt, lá sầu đâu… tại thị trường này được nhiều khách tìm mua.
Song, cùng một loại đường thốt nốt nhưng hàng Campuchia bán được nhiều hơn đường của An Giang. Thời điểm này, đường thốt nốt bánh Campuchia có giá 50.000 đồng/kg, đường An Giang là 40.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Vân, chủ một quán chè ở quận 11, cho rằng, đường thốt nốt của Campuchia có màu sắc đậm hơn, độ ngọt, thanh tốt hơn so với hàng An Giang. So về giá cả hàng trong nước luôn chiếm ưu thế, một số cửa hàng còn đổi nhãn hàng nội địa thành hàng Campuchia để bán được giá cao hơn, chỉ có người trong nghề mới phân biệt được.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, hàng Thái đã bao phủ thị trường sau khi đại gia bán lẻ BJC mua lại Metro Cash & Carry. Tiếp đến, đại gia Central Group ngoài việc mở hai trung tâm mua sắm Robins đã mua thêm 49% cổ phần của Công ty Thương mại Nguyễn Kim và sở hữu hàng loạt cửa hàng tiện lợi B’smart.
Tới đây, nhiều khả năng Big C sẽ về tay người Thái. Hàng loạt những dấu hiệu cho thấy hàng Thái đang chiếm thị phần ngay trên sân nhà Việt Nam. "Nếu như hàng Việt không thay đổi, phát triển thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà", ông Phú nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hàng Thái đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam hơn 10 năm nay. Người dân cũng đã quá quen sử dụng hàng hóa từ nước này. Bên cạnh đó, sản phẩm Thái có giá chỉ nhỉnh hơn hàng Việt 5-10%, chất lượng lại tốt khiến nó đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước.