Hành trình ngược của SBT

Ăn nên làm ra, CP luôn nằm trong nhóm “hàng nóng” được lưu tâm đặc biệt từ giới đầu tư. Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ một thời oanh liệt của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT).

Ăn nên làm ra, CP luôn nằm trong nhóm “hàng nóng” được lưu tâm đặc biệt từ giới đầu tư. Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ một thời oanh liệt của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT).

Tên cũ của SBT là CTCP Mía đường Bourbon Tây Ninh. Cuối năm 2013, SBT lấy ý kiến cổ đông về việc đổi tên thành CTCP Mía đường Thành Thành Công. Sau đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận kinh doanh điều chỉnh với tên gọi mới này cho SBT.

SBT là doanh nghiệp sản xuất đường lớn nhất khu vực Đông Nam bộ với vị trí nhà máy gần các khu công nghiệp lớn nằm trong vùng tam giác kinh tế TPHCM-Đồng Nai-Bình Dương. Sản phẩm chính của SBT là đường RE có độ tinh khiết cao, phục vụ cho sản xuất công nghiệp nên giá ít biến động hơn đường RS. SBT có công suất ép mía thiết kế hơn 9.800 tấn mía/ngày và diện tích vùng trồng lên đến 15.000ha trong vụ 2013-2014.

SBT là công ty có quy mô lớn trong số gần 40 nhà máy hoạt động trong ngành sản xuất mía đường nội địa. Niên vụ 2012-2013, SBT sản xuất được 133.070 tấn đường, chiếm khoảng 8,6% sản lượng đường cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của SBT có dấu hiệu đi xuống trong sự ngỡ ngàng của NĐT. Cụ thể, BCTC năm 2013 cho thấy, dù doanh thu bán đường đạt hơn 2.222 tỷ đồng (tăng 13,2%) nhưng lãi gộp giảm mạnh từ 18,9% xuống còn 12,7%, tương ứng với lợi nhuận sau thuế đạt 239 tỷ đồng (giảm 40%). Với kết quả này, nhiều khả năng kế hoạch 20% cổ tức cho năm 2013 của SBT sẽ khó được thực hiện. Trước đó, SBT đã tạm ứng được 10% cổ tức, dự báo SBT sẽ chi trả thêm từ 3-5% cổ tức nữa sau ĐHCĐ năm 2014.

Việc kinh doanh không hiệu quả của SBT bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân khách quan là tình trạng cung vượt cầu trong lĩnh  vực đường khiến cho giá đường giảm. Tại thị trường trong nước, giá bán đường RE trung bình của SBT năm 2011 và 2012 đạt lần lượt 18,7 và 17 triệu đồng/tấn nhưng trong 9 tháng đầu năm 2013, mức giá bán đã giảm xuống chỉ còn khoảng 14,7 triệu đồng/tấn, tương ứng giảm 13,5% so với năm 2012.

Trong khi đó, giá thu mua mía nguyên liệu của SBT vẫn phải duy trì nhằm hỗ trợ nông dân cũng như duy trì diện tích trồng mía. Yếu tố chủ quan là hoạt động đầu tư không mang lại hiệu quả. Điển hình là việc đầu tư vào CTCP Bourbon An Hòa (BAC) và dự án Trung tâm thương mại Espace Bourbon Tây Ninh.

Với dự báo giá đường tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới, năm 2014 vẫn là năm đầy khó khăn đối với SBT. Cùng với sự đi xuống về hiệu quả kinh doanh là những “danh hiệu” đang dần rời bỏ mã SBT. Sau 2 năm liên tục nằm trong nhóm VN30 (bao gồm 30 CP thành phần, đại diện cho hoạt động của 30 công ty được niêm yết trên sàn HOSE, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường), đầu năm 2014, SBT đã bị HOSE loại khỏi danh sách VN30 và được thay thế bằng mã ITA do không đáp ứng tiêu chuẩn về vốn hóa.

Sau khi bị loại khỏi VN30, SBT tiếp tục bị FTSE Vietnam ETF loại khỏi rổ chỉ số trong kỳ cơ cấu quý I-2014 do giá trị giao dịch trung bình 3 tháng thấp hơn 20% giá trị giao dịch trung bình 3 tháng của rổ chỉ số FTSE Vietnam Index.

“Danh hiệu” hàng nóng trong mắt NĐT của SBT cũng đã không còn nếu nhìn vào thanh khoản và biến động giá của mã CP này kể từ cuối năm 2012 trở lại đây. Nếu như trước đây, những phiên giao dịch với khối lượng trên 1 triệu đơn vị đối với SBT là chuyện bình thường thì nay rất hiếm khi mã này chạm tới mốc con số này.

Về biến động giá, trong khi thị trường chung nằm trong xu hướng đi lên thì SBT gần như bất động ở quanh mức giá 12.000 đồng/CP từ cuối tháng 8-2013 đến nay. Thậm chí, theo thống kê kể từ đầu năm 2013 đến nay, SBT chỉ có duy nhất một phiên tăng trần.

Các tin khác