Tuy nhiên, lần trở lại này của “vua tôm” đã không như kỳ vọng của giới đầu tư, bởi MPC chỉ niêm yết trên UPCoM, thậm chí tình hình kinh doanh còn bết bát hơn sau nỗ lực tái cơ cấu.
Trên sàn lãi lớn, xuống sàn tụt dốc
Trong lĩnh vực thủy sản, MPC được ví là “vua tôm”, do sản phẩm chủ yếu là mặt hàng tôm đông lạnh xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản. Nếu xét về ngành tôm, kim ngạch xuất khẩu của MPC chiếm khoảng 17% tổng giá trị tôm xuất khẩu, tương đương kim ngạch của 3 doanh nghiệp đứng sau cộng lại. |
Lý giải về động thái này, lãnh đạo MPC cho rằng giá trị CP trên thị trường hiện không được phản ánh đúng, trong khi doanh nghiệp đang có nhu cầu tăng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này gây khó khăn trong việc phát hành thêm CP. Do đó, việc hủy niêm yết trên HOSE sẽ giúp MPC dễ dàng tìm đối tác chiến lược, tái cơ cấu tập đoàn và đảm bảo nguồn vốn cho sự phát triển trong tương lai.
Có thể nói, quyết định hủy niêm yết của MPC khiến giới đầu tư thời điểm đó hết sức ngỡ ngàng, bởi tình hình sản xuất kinh doanh của tập đoàn đang hết sức khả quan. Cụ thể, ngay sau khi đi đến quyết định hủy niêm yết, MPC đã công bố BCTC năm 2014 với doanh thu thuần đạt 4.297 tỷ đồng (tăng 13,6% so với cùng kỳ), lợi nhuận đạt 755 tỷ đồng, so với lợi nhuận năm 2013 chỉ đạt 270 tỷ đồng.
Với kết quả cực kỳ ấn tượng này, EPS năm 2014 của MPC gần như cao nhất trên TTCK, với mức khủng 10.930 đồng/CP. Tổng tài sản cuối năm 2014 của MPC cũng tăng vọt từ 7.637 tỷ đồng đầu năm lên 9.285 tỷ đồng. Đây là thời điểm huy hoàng của MPC với tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên đến 50%.
Thế nhưng, sau khi biến mất khỏi TTCK, MPC tiếp tục gây bất ngờ cho cổ đông với sự tuột dốc về hiệu quả kinh doanh. Cụ thể, năm đầu tiên sau khi rời sàn, MPC báo doanh thu giảm 18% và bất ngờ lỗ ròng gần 7 tỷ đồng. Đến năm 2016, mặc dù kết quả kinh doanh của MPC có chuyển biến, nhưng tình hình không mấy khả quan, với doanh thu chỉ 12.064 tỷ đồng và lãi ròng 82 tỷ đồng.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MPC, 2016 là năm khó khăn của ngành tôm Việt Nam, đặc biệt những tháng đầu năm do ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, nắng nóng, xâm ngập mặn, khiến nguyên liệu tôm khan hiếm, đẩy giá thành lên cao.
Đặc biệt, thế mạnh của Việt Nam là con tôm sú có thời điểm giá nguyên liệu tăng hơn 30%, nhưng giá xuất khẩu không tăng kịp. Nhiều nhà máy đua nhau tăng giá thu gom nguyên liệu để chế biến nhưng do giá xuất khẩu không tăng đã dẫn tới thua lỗ.

NĐT ôm trái đắng
Phiên giao dịch cuối cùng trên HOSE, MPC đóng cửa ở mức giá 122.000 đồng/CP. So với mặt bằng chung ở thời điểm lúc bấy giờ, đây là mức giá trong mơ của NĐT trên TTCK. Tuy nhiên, những NĐT quyết định giữ lại MPC với kỳ vọng tối đa hóa lợi nhuận sau quá trình tái cơ cấu, đã phải thất vọng không chỉ với kết quả kinh doanh mà với cả mức giá ngày trở lại của MPC.
Cụ thể, MPC đã quay lại sàn UPCoM trong phiên giao dịch ngày 16-10 với giá tham chiếu 79.000 đồng/CP. Với mức giá này, cổ đông nắm giữ sẽ chẳng dại gì bán ra CP sau hơn 2 năm giữ, trong khi bên mua cũng không mấy mặn mà với mã CP đang lãi lớn bỗng chuyển sang lỗ với mức giá lên đến 8.0. Cũng chính vì lý do này, thanh khoản của MPC sụt giảm nghiêm trọng với vài trăm đơn vị được chuyển nhượng mỗi phiên.
Không chỉ thiệt thòi về giá CP, cổ đông của MPC trong thời điểm trước và sau khi doanh nghiệp này niêm yết trở lại đã không nhận được 1 đồng từ cổ tức, dù mức chi cổ tức năm 2014 lên đến 50%. Theo MPC, 2 năm 2015 và 2016 không chia cổ tức vì lợi nhuận âm. Song đến năm 2017 và 2018, dù kế hoạch kinh doanh được đánh giá khả quan hơn, nhưng MPC cũng không có kế hoạch chi trả cổ tức.
Năm 2017, MPC đặt kế hoạch kinh doanh đột biến với doanh thu thuần hợp nhất 15.781 tỷ đồng, lãi ròng 841 tỷ đồng (gấp 10 lần so với năm 2016). Tuy nhiên, theo BCTC 6 tháng đầu năm 2017, MPC ghi nhận doanh thu 6.342 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 158,6 tỷ đồng. Với kết quả này, MPC mới hoàn thành 40% và 19% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận và có khả năng không hoàn thành kế hoạch cả năm.
Một trong những yếu tố gây thất vọng nữa là trong suốt thời gian hủy niêm yết vừa qua, vốn điều lệ của MPC vẫn ở mức 700 tỷ đồng, đặc biệt bóng dáng của cổ đông chiến lược vẫn chưa xuất hiện như kế hoạch đã đề ra trước đó của doanh nghiệp rời sàn để tăng vốn cho thuận lợi.
Theo thống kê, cơ cấu cổ đông của MPC hiện nay NĐT cá nhân đang nắm giữ gần 75% cổ phần, trong khi tổ chức lớn và NĐTNN chỉ lần lượt 13,23% và 9,88% vốn điều lệ. Tổng tỷ lệ nắm giữ của tổ chức và NĐTNN thậm chí còn thấp hơn số cổ phần bà Chu Thị Bình, Phó Chủ tịch HĐQT, đang nắm giữ xấp xỉ 25% (tương đương 17,4 triệu CP).