Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, niên vụ vải năm 2021, toàn tỉnh có 28.100 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước và bắt đầu thu hoạch chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7.
Trong những ngày gần đây, vải thiều đã xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử với mục tiêu nhanh chóng tiếp cận với người tiêu dùng trên cả nước. Tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, mà trước mắt là vải thiều, được đánh giá là kênh phân phối hiệu quả giúp người nông dân an tâm sản xuất, an tâm chống dịch, giảm bớt nỗi lo hàng hoá bị ùn ứ, cần "giải cứu" trong bối cảnh dịch bệnh COVD-19
Vải thiều được bán "online" đồng loạt trên 6 sàn
Ngày 2/6, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết đơn vị này đã phối hợp thành công cùng 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm Sen đỏ (FPT), Vỏ Sò (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Cuccu để đưa quả vải thiều lên giao dịch. Theo đó, các phương án thu mua, vận chuyển logistics, thương mại điện tử cũng đã được thống nhất triển khai.
Riêng với mặt hàng vải thiều, các hoạt động truyền thông, quảng bá để đáp ứng mọi đơn hàng, vận chuyển nhanh bằng mọi hình thức từ xe lạnh tới phương thức hàng không và được bảo quản tốt nhằm đem tới chất lượng quả vải cao nhất đến tay người tiêu dùng.
Hiện tại, các sàn thương mại điện tử đang trong công tác chuẩn bị hàng hoá, vận chuyển, bảo quản sản phẩm sẵn sàng mở bán đợt vải thiều Bắc Giang rộng rãi đến tay người tiêu dùng cả nước.
Hình ảnh nhân viên các sàn thương mại điện tử xuất hiện ở các điểm thu mua, tiêu thụ nông sản, tham gia hỗ trợ đóng gói, bốc xếp hàng hóa lên xuống xe tại nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng không còn quá xa lạ với bà con nông dân tại đây.
Vụ mùa 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người nông dân tại Bắc Giang loay hoay bài toán đầu ra. Nếu như những năm trước, vải có thể mang đi sấy thì năm nay số lượng các đại lý sấy rất ít, vải phải bán tươi với giá bếp bênh.
Khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương và một số doanh nghiệp, trong đó có Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel - Viettel Post đã tới vận động bà con bán nông sản qua sàn thương mại điện tử Vỏ Sò.
Cuối tháng 5/2021, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công Thương, vải Bắc Giang được đưa lên sàn Vỏ Sò. Thống kê đến hết ngày 3/6, số hộ nông dân tại Bắc Giang bán hàng trên Vỏ Sò là 96 hộ, sản lượng vải giao dịch trên sàn là 148,5 tấn với tổng số 23.813 đơn hàng.
Viettel Post cũng đặt kế hoạch sản phẩm vải Bắc Giang sẽ đến tay khách hàng trên toàn quốc chỉ từ 6-48 giờ sau thu hoạch. Đại uý Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết, Viettel Post sẽ tổ chức kết nối hệ thống xe tải đa điểm và liên tục từ Bắc Giang tới các tỉnh, thành trên toàn quốc. Hệ thống xe lạnh được huy động tối đa để vận chuyển vải, đặc biệt các lô lớn chuyển vào miền Trung và miền Nam sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không.
“Vận chuyển nông sản bảo đảm chất lượng đòi hỏi mức chi phí cao hơn nhiều so với các hàng hóa thông thường. Tuy nhiên, để hỗ trợ người nông dân Bắc Giang cũng như người tiêu dùng trên toàn quốc được sử dụng sản phẩm vải chất lượng tốt nhất, Viettel Post chuyển phát đồng giá toàn quốc với mức giá 15.000 đồng cho 5kg,” Tổng giám đốc Trần Trung Hưng cho hay.
Đặc biệt, được sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel Post đã có các loại giấy phép và giấy chứng nhận theo yêu cầu của hải quan Đức để có thể xuất những lô vải thiều Bắc Giang chất lượng sang thị trường này.
Ngoài Vỏ Sò, nhiều sàn thương mại điện tử khác như Sen đỏ (Tập đoàn FPT) hay Postmart (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam-Vietnam Post),… cũng tích cực triển khai hỗ trợ người nông dân tại các địa phương tiêu thụ nông sản.
Cụ thể, sàn thương mại điện tử Sen đỏ công bố mục tiêu tìm đầu ra cho 100 tấn vải thiều Bắc Giang qua kênh thương mại điện tử thông qua chương trình Chung tay ủng hộ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang diễn ra trên sàn trên quy mô lớn từ ngày 6-10/6/2021.
Trong khi đó, Vietnam Post vừa hợp tác với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên toàn quốc với tổng sản lượng cam kết trước mắt là 3.000 tấn.
Cũng theo đại diện Posrtmart, sản lượng vải Bắc Giang giao dịch trên sàn từ cuối tháng 5 đến nay đã đạt hơn 291.535kg. Tổng số đơn hàng vải Bắc Giang từ cuối tháng 5 đến nay đã đạt 19.865 đơn với tổng giá trị 8,52 tỷ đồng.
Đồng hành cùng nông dân từ những bước đầu tiên
Trong bối cảnh 4.0, thuật ngữ “thương mại điện tử” không còn quá xa lạ với người nông dân nhưng không phải ai cũng quen với cách làm này. Việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn thương mại không hề đơn giản bởi năng lực về thương mại điện tử của các hợp tác xã, bà con nông dân còn nhiều hạn chế.
Theo ông, Phan Trọng Lê - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển và Thương hiệu của Vietnam Post, nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin còn thiếu, đặc biệt những kỹ năng về tư vấn, chăm sóc khách hàng hay đánh giá xu hướng tiêu dùng, thị hiếu thị trường vẫn còn khá xa lạ với người nông dân. Hơn nữa, bảo quản nông sản cũng là bài toán đặt ra bởi bà con nông dân trước đây thường chỉ bán cho thương lái.
Đặc thù của các sản phẩm nông sản là người sản xuất thường kiêm luôn người bán và đa số vẫn là các hộ gia đình nhỏ, lẻ. Chính vì vậy, người bán nông sản không có nhiều kinh nghiệm trong việc phân phối và quảng bá sản phẩm đến hơn 90 triệu người tiêu dùng tiềm năng trên cả nước.
Ngược lại, họ chọn cách thụ động bị tiếp cận bởi những thương lái hay các công ty phân phối trung gian. Sự phụ thuộc này vô hình chung tạo ra bài toán nan giải trong mùa vụ này, khi mà các doanh nghiệp trung gian không thể đến Bắc Giang - nơi đang là tâm dịch.
Ông Lê cũng thông tin Vietnam Post không chỉ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình vận chuyển hàng đi tiêu thụ mà còn chú trọng hướng dẫn người dân mở thêm kênh tiêu thụ nông sản mới trên sàn thương mại điện tử. Được biết, có những hộ gia đình, nhân viên bưu điện phải hướng dẫn nhiều lần để họ từng bước thay đổi nếp nghĩ, tạo thói quen hàng ngày vào kiểm tra gian hàng và cập nhật các thông tin, hình ảnh mới cho gian hàng
Trong khi đó, là Viettel Post lại cử cán bộ đến tận nơi để giúp bà con trồng vải tìm ra giải pháp bán hàng chủ động, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững và lâu dài - đó là sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. Ngay tại vườn, nhân viên Vỏ Sò sẽ hướng dẫn, đào tạo bà con nông dân cách bán hàng trên sàn, đồng hành thực hiện livestream và hỗ trợ các phương thức quảng cáo khác.
Ngoài cử nhân viên chi nhánh xuống tận địa phương hướng dẫn người nông dân, Viettel Post liên tục triển khai các chương trình ưu đãi, siêu khuyến mại tại các khung giờ vàng, ưu đãi về phí vận chuyển nhằm kích cầu người tiêu dùng mua nông sản Việt.
Phần lớn bà con nông dân chưa sử dụng smartphone để tham gia chuyển đổi phương thức bán hàng online. Vỏ Sò sẵn sàng hỗ trợ mở gian hàng và vận hành thời gian đầu để hướng dẫn và chuyển đổi dần, bàn giao cho bà con nông dân tự vận hành, chủ động bán hàng.
Trong giai đoạn này, chiến lược của Vỏ Sò là tập trung đào tạo hướng dẫn những chủ hộ sản xuất, hợp tác xã trẻ tuổi - họ là những người có năng lực tiếp thu cao, nhanh và quyết tâm mạnh mẽ hơn. Đây sẽ là lực lượng đồng hành cùng Vỏ Sò trong thời gian tới, có thể lan toả kiến thức và kỹ năng về công nghệ trong phạm vi cộng đồng quanh họ.
Trong khi đó, sàn Sen đỏ cũng có những biện pháp nhanh chóng hỗ trợ người nông dân tiếp cận sàn thương mại điện tử như trực tiếp hướng dẫn bà con thực hành cách livestream (phát sóng trực tiếp) đưa vải thiều lên sàn để chốt đơn hàng loạt.
Chủ tịch Sen đỏ Nguyễn Đắc Việt Dũng chia sẻ: "Không đợi đến dịch mà từ đầu năm 2021, Sen đỏ cùng Bộ Công Thương đã triển khai các chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản các tỉnh Sơn La, Bến Tre, Hải Dương qua Sendo.vn và đạt những thành công đáng khích lệ. Sau mỗi chương trình, chúng tôi càng hoàn thiện quy trình này hơn để mang thương mại điện tử đến với bà con nông dân cả nước một cách hiệu quả nhất, giúp bà con từng bước chủ động kết nối đầu ra cho sản phẩm."
Đại diện các sàn thương mại điện tử cũng cho biết vẫn còn nhiều hộ nông dân chưa thật sự sẵn sàng kinh doanh theo hình thức mới mà muốn đi theo lối mòn. Tuy nhiên, đó chỉ là những vướng mắc ban đầu. Đa số những nông dân có sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử hiện nay đã quen dần với các thao tác và nhận thấy được những ưu điểm về cả công sức lẫn giá thành mà hình thức bán hàng này mang lại.
Về phía người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử cho biết sẽ hỗ trợ chi chi phí vận chuyển (phí ship) cùng với luôn cam kết chất lượng tốt nhất tới tay người tiêu dùng. Khi giao hàng, vải sẽ được thực hiện đồng kiểm cùng người nhận. Các đơn vị vận chuyển cam kết nếu hàng hóa sai về chất lượng, quy cách đóng gói hay vận chuyển, khách hàng có quyền yêu cầu trả hàng và được đổi lại một đơn hàng tương ứng (1 đổi 1).
Chị Đặng Thị Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị bắt đầu có thói quen mua nông sản trên sàn thương mại điện tử từ ngày bắt đầu dịch. "Mặc dù đây là phương thức mới, tôi gặp nhiều khó khăn như thanh toán, thao tác nhưng với sự hỗ trợ của các đơn vị vận chuyển như được kiểm hàng, đổi trả, tôi đã rất yên tâm và sẽ tiếp tục sử dụng," chị Vinh chia sẻ.
Như vậy, trong suốt “hành trình số” của trái vải từ vườn đến bàn ăn của người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử đã hiện diện để đảm bảo lợi ích cho cả hai phía.
Điều quan trọng hơn, việc mua bán các sản phẩm nông sản tươi ngon trên các sàn thương mại điện tử sẽ là hướng đi mới trong tương lai, thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2021 là năm hành động mạnh hơn để chuyển đổi số quốc gia. Chương trình chuyển đổi số quốc gia lựa chọn nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Chính vì vậy, để chuyển đổi số nông nghiệp, trong đó có việc thay đổi tư duy bán hàng truyền thống cũng như hỗ trợ nông dân làm quen với việc sử dụng công nghệ số là việc làm quan trọng.
Bên cạnh phương thức truyền thống, thương mại điện tử sẽ tạo vị thế mới cho người nông dân khi sản phẩm được nhiều khách hàng biết tới hơn, tạo liên kết trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế, giảm bớt khâu phân phối trung gian, minh bạch thông tin hơn từ người bán đến người mua.
Việc định hướng, tạo thói quen bán hàng qua sàn thương mại điện tử cho người nông dân là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và mở rộng thị phần tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa và ra thế giới.