Hậu Brexit - Rủi ro chủ yếu tâm lý

(ĐTTCO) - Các chuyên gia cho rằng việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế, tài chính trong nước, nhưng cần theo dõi kỹ để có kịch bản và sự điều chỉnh kịp thời, không chỉ với thị trường chứng khoán mà cả với thị trường vàng và ngoại tệ, đừng để vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến thực tế chung trong thời kỳ hậu Brexit.

(ĐTTCO) - Các chuyên gia cho rằng việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế, tài chính trong nước, nhưng cần theo dõi kỹ để có kịch bản và sự điều chỉnh kịp thời, không chỉ với thị trường chứng khoán mà cả với thị trường vàng và ngoại tệ, đừng để vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến thực tế chung trong thời kỳ hậu Brexit.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng Brexit sẽ không tác động nhiều đến thị trường Việt Nam, kể cả vấn đề về giao thương, tài chính hay tỷ giá, điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để chấn chỉnh được tâm lý của thị trường, người dân. “NHNN cần theo dõi sát thị trường để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh tình trạng bầy đàn lấn át hoặc tình trạng đầu cơ về vàng, ngoại tệ… bởi Anh rời EU cũng phải có lộ trình và mất thời gian ít nhất 2 năm, nên trong thời gian tới Anh vẫn là thành viên của EU” - ông Lịch nói.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, về chính sách tiền tệ và tỷ giá, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và khu vực, đặc biệt động thái của các NH EU và Hoa Kỳ, để có biện pháp điều hành linh hoạt và phù hợp. Ông Hưng cho biết NHNN đã chủ động ứng phó với biến động tâm lý nên tác động từ sự kiện Brexit rất nhỏ, tỷ giá chỉ biến động 40-50 đồng và nay đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, ông Hưng lưu ý cần đánh giá đầy đủ hơn tác động gián tiếp trong thời gian tới, đặc biệt việc giảm giá các đồng tiền chủ chốt như bảng Anh, EUR, nếu NH các nước như Trung Quốc điều chỉnh có thể tác động lên xuất khẩu.

Mô tả Ảnh
Mô tả Ảnh

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán HSC cho rằng tác động trong trung, dài hạn của Brexit sẽ khó có thể đánh giá vì việc rời EU phải mất ít nhất 2 năm. Tuy nhiên, việc Anh rời EU sẽ dẫn đến một thời gian dài bất ổn trong nội bộ EU làm ảnh hưởng đến đồng EUR và dẫn tới rủi ro lớn với nền kinh tế thế giới trong trung hạn. Nhưng nếu xét về ảnh hưởng riêng của kinh tế Việt Nam với Anh là rất nhỏ, bởi Anh chỉ chiếm 2,9% tổng kim ngạch xuất khẩu và 0,44% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Tác động thực sự ở đây là bất ổn về tương lai của EU khi khối liên minh này chiếm tới 19,1% kim ngạch xuất khẩu và 6,3% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. HSC cho rằng, rủi ro chính ở đây là rủi ro tỷ giá, thay vì sự giảm đi của nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam mặc dù nền kinh tế Anh có thể yếu đi trong một khoảng thời gian nhất định.

 Tương tự, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng tin rằng tác động của Brexit đến thương mại Việt Nam với Anh nhìn chung sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, việc Anh rời khỏi EU sẽ tạo ra những bất ổn cho kinh tế khu vực này, đồng EUR và bảng Anh sẽ mất giá mạnh khi dự báo kinh tế của cả 2 bên sẽ bị suy giảm tăng trưởng đáng kể. Brexit ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường Việt Nam chính là triển vọng Hiệp định thương mại FTA giữa EU và Việt Nam. Do hiệp định này chưa được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu, đàm phán có thể phải bắt đầu lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU (khi không có nước Anh). Vấn đề ảnh hưởng lớn thứ 2 đó là tỷ giá. Theo MBKE, tỷ giá USD/VNĐ bị chi phối bởi cán cân thương mại cũng như tâm lý, niềm tin của dân chúng và giới đầu tư, bị dẫn dắt bởi các yếu tố nội tại như chính sách điều hành tỷ giá mới với sự minh bạch theo tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI, cải thiện môi trường... Bên cạnh đó, với việc NHNN dường như sẽ có những chính sách hỗ trợ tăng trưởng (nhằm đạt mục tiêu 6,7% GDP cả năm) và tình trạng thâm hụt ngân sách lớn hơn, dự báo áp lực lên VNĐ trong những tháng tới có thể sẽ tăng.

Công ty Chứng khóan BIDV (BSC) nhận định, hoạt động thương mại và đầu tư song phương sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn, tuy nhiên Brexit sẽ tác động gián tiếp, ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán khi dòng vốn đầu tư nước ngoài gián đoạn và đảo chiều. Thế nhưng, theo TS. Trần Du Lịch, trước mắt Brexit chưa ảnh hưởng gì đối với dòng vốn FII và FDI, nếu có ảnh hưởng chỉ là về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư từ khu vực EU. Brexit đã đẩy đồng bảng Anh lao dốc mạnh và xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. NH HSBC dự đoán bảng Anh sẽ giảm xuống mức 1,25USD trong quý III-2016 và đến cuối năm nay sẽ ở mức 1,2USD. Giới chuyên gia tài chính cảnh báo Brexit sẽ châm ngòi cho các biến động trên thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian tới.

Trước khả năng tác động ngắn và dài hạn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính tiền tệ, cho rằng các cơ quan chức năng Việt Nam cần theo dõi kỹ tình hình để có kịch bản và sự điều chỉnh kịp thời, kể cả tính đến những phương án xấu nhất. Đồng thời, yếu tố tâm lý rất quan trọng, vì vậy nếu các thị trường có biến động mạnh cần sự can thiệp nhanh và dứt khoát như cách ứng phó của Nhật Bản vừa qua, không chỉ với thị trường chứng khoán mà cả với thị trường vàng và ngoại tệ.

Các tin khác