Hậu Giang: Vùng đất khó Long Mỹ chuyển mình

(ĐTTCO) - Huyện Long Mỹ, được xem là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Hậu Giang. Nơi đây, thuộc vùng sâu, vùng xa, nhiều xã vẫn còn bị nước mặn xâm nhập.

Hậu Giang: Vùng đất khó Long Mỹ chuyển mình

Nhưng với truyền thống cách mạng gắn liền với những địa danh nổi tiếng trong kháng chiến như Vĩnh Viễn, Lương Tâm (nơi có Đền thờ Bác Hồ sớm nhất vùng ĐBSCL), người dân nơi đây đang từng bước vươn lên từ vùng đất khó.

Người dân xã Lương Nghĩa đã không ngại khó khi nước mặn xâm nhập, mà đã biết sống chung, tận dụng để làm giàu. Điển hình là anh Út Hồng Ngự (Nguyễn Hồng Ngự). Từ lâu, anh Út đã nuôi trâu trên vùng đất khó với cơ ngơi gần 300 con trâu. Nay anh Út Ngự lại bắt đầu nuôi vụ tôm thẻ đầu tiên trên đất mình. Chỉ với 4 công đất (4.000m2), vụ tôm đầu tay, anh Út Ngự đã thu về gần 30 triệu đồng.

Nhưng cái anh thích nhất là sau khi thu hoạch xong, xuống giống vụ lúa đông xuân rất trúng. Anh hồ hởi: “Sau khi xuống giống, 20 ngày đầu không cần bón phân, tôi chỉ tốn 700.000 đồng phân bón thay vì phải tốn 1,4 triệu đồng phân bón, nếu không nuôi tôm. Cái được lớn hơn là lúa vụ đông xuân có thể đạt đến 10 tấn/ha, cao hơn bình thường 3-4 tấn”.

29-12-Nông-dân-huyện-Long-Mỹ-trúng-đậm-vụ-nuôi-tôm.jpg

Vùng đất khó không chỉ vươn lên từ con tôm, sản xuất lúa sạch mà nhiều nông dân đã biết thực hiện kinh tế tuần hoàn. Điển hình là anh Út Giang (anh Bùi Tiền Giang). Khởi nghiệp chỉ thuần nuôi bò rồi dần dần nuôi thêm trùn. Được cán bộ khuyến nông vận động, anh đã hoàn thiện bước đầu mô hình kinh tế tuần hoàn khi nuôi thêm lươn thịt và lươn giống.

Anh Út Giang đã hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn: tận dụng phân bò nuôi trùn quế, dùng trùn quế làm thức ăn cho lươn và cả thức ăn cho bò. Mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp gia đình anh Út Giang đạt thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Trước những khó khăn của tình trạng xâm nhập mặn hàng năm, và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Huyện ủy, UBND huyện Long Mỹ đã tập trung định hướng chuyển từ mô hình chuyên canh lúa, cây trồng cạn sang mô hình lúa - thủy sản. Trong những năm qua, huyện đã hỗ trợ nguồn lực giúp HTX tôm - lúa Tân Tiến ở xã Lương Nghĩa với 14 thành viên được mở rộng diện tích lên 158ha.

Mô hình được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ 50% con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi bài bản. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng hỗ trợ mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ trên 41ha. Có 19 hộ tham gia được hỗ trợ 100% giống, vật tư, cơ giới hóa vào sản xuất, và được bao tiêu lúa hàng hóa.

Theo Bí thư Huyện ủy Long Mỹ Trần Chí Hùng, đời sống người dân ở vùng đất khó đã và đang từng bước thay đổi. Đây là nhờ những chính sách và nỗ lực của đội ngũ cán bộ địa phương như tập trung hỗ trợ, phát triển các mô hình sản xuất, mô hình kinh tế tập thể, tham gia Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới gắn liền với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai thực hiện tốt, đến nay tổng sản phẩm OCOP của huyện lên đến 34 sản phẩm, trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao và 24 sản phẩm đạt 3 sao.

Huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện nâng chất, xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó các nhiệm vụ đặt ra trong việc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.

Ông TRẦN CHÍ HÙNG, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ

Các tin khác