Bán hàng trăm căn hộ rồi ngưng thi công
Đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) được ví như “thủ phủ” nhà cao tầng của khu Nam TPHCM. Tại đây hàng chục dự án nhà cao tầng được doanh nghiệp đầu tư xây dựng hai bên đường trong thời gian qua. Nhiều dự án hoàn thiện đưa vào sử dụng, nhưng cũng không ít dự án xây dựng dở dang và “treo” từ nhiều năm nay.
Một trong những dự án điển hình là chung cư cao tầng Đông Mê Kông (tên thương mại Park Vista) do Công ty TNHH Đông Mê Kông làm chủ đầu tư. Đây là dự án thương mại kết hợp phục vụ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất tại dự án tạo quỹ đất sạch của TPHCM trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ. Tuy nhiên, dự án đang thi công phần thô thì bị ngưng từ nhiều năm nay.
Trước đó, Thanh tra TPHCM chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án này. Theo đó, dù chưa được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận gần 23.000m2 đất dự án, nhưng Đông Mê Kông vẫn thế chấp cho một ngân hàng và kịp bán gần 300 căn hộ. Đến nay, công ty chưa bàn giao được căn hộ nào trong khi dự án vẫn “án binh bất động”. Hiện nay dự án bị ngưng hoàn toàn, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, phía trước các tòa nhà nước đọng thành “ao” rêu phong loang lổ.
Chung cư Đông Mê Kông (Park Vista) do Công ty TNHH Đông Mê Kông làm chủ đầu tư. |
Một dự án khác là khu phức hợp 678 Âu Cơ phường 14, quận Tân Bình cũng ngưng thi công nhiều năm nay, dù trước đó dự án đã xây dựng nhà mẫu, nhận tiền cọc của nhiều khách hàng. Khu đất này (diện tích 2,2ha) nguyên là nhà xưởng của Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) Thủy sản TPHCM, sau đổi thành CTCP XNK Sài Gòn (SeaprodexSaigon).
Cách đây gần 10 năm dự án được biết đến với tên thương mại là Chung cư Centa Park, và khu nhà mẫu bề thế trên đường Đồng Đen ngay trong khuôn viên của dự án. Tuy nhiên, đến năm 2016 SeaprodexSaigon mới được UBND TPHCM chấp thuận cho đầu tư.
Gần 1 năm sau, đầu tháng 5-2017 chủ đầu tư vẫn chưa chuyển mục đích sử dụng đất, có nghĩa khu đất trên vẫn chưa phải là đất ở. Chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nên cũng chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Thế nhưng, chủ đầu tư vẫn tổ chức thi công tầng hầm và thu tiền của khách hàng. Sau thời gian “lùng bùng” về pháp lý, dự án rơi vào tình trạng ngưng trệ và im ắng cho đến nay.
Bao giờ giải quyết dứt điểm?
Về tính pháp lý của dự án Centa Park, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết sau khi chính thức chuyển thành CTCP, CTCP XNK Thủy sản Sài Gòn chưa lập thủ tục để ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất nói trên cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai, và quy định pháp luật cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
“Như vậy CTCP XNK Thủy sản Sài Gòn chưa có pháp lý về quyền sử dụng đất đối với khu đất 678 Âu Cơ, phường 14, Tân Bình” - Sở TN-MT khẳng định. Và khu đất này cũng chưa được chuyển mục đích sử dụng đất. Dự án đã kéo dài hơn 10 năm và hiện nay đang là khu đất hoang hóa, rất lãng phí. Với tình trạng pháp lý như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn “bắt tay” với một số đối tác để triển khai dự án, huy động vốn từ khách hàng, chắc chắn để lại những hệ lụy không nhỏ.
Với sai phạm tại dự án chung cư Đông Mê Kông và dự án tạo quỹ đất sạch, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chủ trì, phối hợp UBND huyện Nhà Bè và cơ quan liên quan, lập kế hoạch, khẩn trương khắc phục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, không để kéo dài. Giao UBND huyện Nhà Bè nghiên cứu, đề xuất trình UBND TP có giải pháp căn cơ, khả thi để giải quyết quyền lợi cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi tại dự án tạo quỹ đất đô thị cho TP mà không được mua căn hộ (chung cư Mê Kông). Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị thực hiện xong trước ngày 30-9-2023.
Nhiều dự án dù pháp lý chưa hoàn chỉnh nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức thi và thu tiền của khách hàng, đã để lại những hệ lụy không nhỏ đối với đời sống xã hội, tạo nên bức xúc trong nhân dân.