Hệ thống bán lẻ “chạy đua” phục vụ tết

(ĐTTCO) - Hiện đang vào cao điểm mua sắm tết của người dân. Nhiều hệ thống bán lẻ tăng nguồn cung hàng hóa trên các quầy kệ, áp dụng hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời giữ bình ổn giá thị trường.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, Saigon Co.op điều chỉnh tăng giờ mở cửa phục vụ tết. Cụ thể, từ ngày 14 đến 16-1 (tức 23 đến 25 tết) phục vụ khách hàng từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Còn từ ngày 17 đến 20-1 (tức 26 đến 28 tết) giờ phục vụ sẽ điều chỉnh sớm hơn từ 6 giờ sáng đến 22 giờ. Riêng ngày 21-1 (tức 30 tết) hệ thống siêu thị sẽ phục vụ từ 6 giờ đến 12 giờ trưa. Mùng 1 tết, hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op tạm dừng phục vụ.

Cùng với việc tăng thời gian phục vụ người dân mua sắm, Saigon Co.op cũng áp dụng hàng loạt chương tình kích cầu tiêu dùng, giảm giá sản phẩm hàng hóa, nhất là nhóm hàng phục vụ tết. Phải kể đến như chương trình “Đón tân niên mua 1 tặng 1”, tập trung khuyến mãi cho 5 nhóm hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa phẩm, may mặc và đồ dùng, chủ yếu là đồ trang trí nhà cửa đặc trưng tết.

Với hệ thống siêu thị của Mega Market, ngoài việc mở rộng thời gian phục vụ, đơn vị cũng lập kế hoạch bổ sung lao động thời vụ cho các ngành hàng, thu ngân, đóng gói giỏ quà tết, nhân viên giao nhận hàng để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.

Người dân chọn mua sản phẩm để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán 2023 tại siêu thị Big C Gò Vấp. Ảnh: LẠC PHONG

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) cũng tăng lượng hàng hóa cung ứng cho cho hệ thống bán lẻ Satra (bao gồm 3 siêu thị tự chọn và gần 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại TPHCM và TP Cần Thơ) với tổng giá trị khoảng 500 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022. Hàng hóa tập trung chủ yếu các thực phẩm thiết yếu như gạo, hàng tươi sống và hàng chế biến. Satra đã làm việc với hầu hết các nhà cung cấp, tiến hành ký cam kết giữ giá, đảm bảo nguồn hàng chất lượng và ổn định.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, trong mọi tình huống, TP sẽ đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối, sẵn sàng phương án bán hàng lưu động… không để xảy ra khan hàng, sốt giá, đầu cơ trục lợi. Sở Công thương đã làm việc với ban quản lý chợ đầu mối và chợ truyền thống, đảm bảo lượng nông thuỷ hải sản, gia súc, gia cầm… cung ứng thị trường TP vào thời gian cao điểm tới tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000- 15.000 tấn/ngày.

Thời gian tới, sở tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn trong thời gian qua, để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.

Các tin khác