Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cùng các nước thành viên (EVIPA) cũng được cơ quan lập pháp thông qua với tỷ lệ 95,45% tổng số đại biểu đồng ý.
EVFTA được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18% - 3,25% (giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57% - 5,3% (giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07% - 7,72% (giai đoạn 5 năm sau đó). EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD, chiếm 22% GDP toàn cầu.
Dự kiến, nhập khẩu từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường, đồng thời là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.
Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội hoan nghênh kết quả đợt 1 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV (trực tuyến) trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2 vào sáng 8-6. Ảnh: VIẾT CHUNG
Ngay sau khi Quốc hội bấm nút phê chuẩn EVFTA và EVIPA, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Nicolas Audier đã gửi đi thông điệp hoan nghênh, trong đó nhấn mạnh EVFTA sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với thương mại và đầu tư gia tăng, bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng 10 năm tới. Hiệp định này cũng sẽ mở ra thị trường mới cho đầu tư và đổi mới của châu Âu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Trước đó, mở đầu phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 8-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu về một số kết quả Quốc hội họp trực tuyến. Theo Chủ tịch Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày, song các nội dung diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao.
Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu tăng đáng kể; không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường sôi nổi, công khai, dân chủ; được dư luận và cử tri đánh giá cao. Đây là kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, việc bố trí kỳ họp thành 2 đợt và có khoảng 1 tuần ở giữa là kinh nghiệm tốt, tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết, thông qua.
Các ĐBQH cũng có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ tài liệu, tham khảo chuyên sâu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động của các chính sách để chuẩn bị tốt ý kiến tham gia thảo luận, xem xét, quyết định tại đợt 2.
Trước khi bước vào phiên họp chính thức, các ĐBQH đã tham dự lễ duyệt diễu hành của lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh. Đoàn CSCĐ Kỵ binh được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an và trong dự án Luật CSCĐ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp này, có nội dung thành lập Trung đoàn CSCĐ Kỵ binh.