Theo ước tính, cả nước có khoảng 400 hiệp hội doanh nghiệp. Tuy số lượng được coi là khá đông đảo, nhưng trong một báo cáo nghiên cứu vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố dựa trên điều tra 78 hiệp hội doanh nghiệp, cho thấy đa số hiệp hội hoạt động theo kiểu “vui là chính”.
Với vai trò quan trọng là vận động chính sách và xúc tiến thương mại, đến nay chỉ một số hiệp hội doanh nghiệp làm được, đó là các hiệp hội lương thực, dệt may, thép, ngân hàng...
Nhưng nếu nhìn vào các hiệp hội doanh nghiệp được coi là mạnh, có thể thấy các tổ chức này đều được trao “sức mạnh” lớn cả về góc độ quản lý lẫn tài chính - vốn là những điểm yếu của hầu hết hiệp hội doanh nghiệp hiện nay.
Lý giải về việc tại sao các hiệp hội trên mạnh, nhóm nghiên của VCCI lấy thí dụ về hiệp hội Lương thực Việt Nam được trao quyền trong việc chủ trì tổ chức các hoạt động xuất khẩu gạo tập trung của Chính phủ; được công bố giá sàn xuất khẩu gạo theo từng thời kỳ; có thẩm quyền phối hợp với cơ quan nhà nước kiểm tra, phát hiện vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gạo.
Hay như hiệp hội Thép Việt Nam có 111 thành viên là các doanh nghiệp thép trong và ngoài nước, liên doanh, cổ phần đều tham gia và nắm 90% năng lực sản xuất. Với Hiệp hội Ngân hàng, khả năng hoạt động và phản biện chính sách, liên kết hội viên tốt cũng chủ yếu dựa trên sức mạnh tài chính (100% hội viên đóng phí), quy tụ những chuyên gia lĩnh vực này để từ đó bảo vệ, vận động chính sách.
Để vận động chính sách, pháp luật đòi hỏi các hiệp hội doanh nghiệp phải hoạt động khá chuyên nghiệp, bởi đây là công việc đòi hỏi khả năng chuyên môn, kỹ năng tổ chức và truyền thông. Tuy nhiên, chỉ có 34/78 hiệp hội, chiếm 44% cho biết họ đã từng tổ chức vận động chính sách, pháp luật.
Hiệp hội doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng khi Việt Nam đang chuyển sang nền kinh tế thị trường và một số chức năng của Nhà nước sẽ chuyển sang hiệp hội; hiệp hội cũng là cầu nối quan trọng giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Còn theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình hỗ trợ hậu gia nhập WTO, hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong các vụ kiện về xuất khẩu hàng hóa, hiệp hội doanh nghiệp đứng ra bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải Chính phủ. Vai trò hiệp hội doanh nghiệp ngày càng quan trọng hơn khi Việt Nam hội nhập sâu với thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đa phần hoạt động yếu?
Vấn đề đầu tiên là hiện nay vẫn chưa có luật hay nghị định riêng điều chỉnh hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp. Bởi chỉ khi có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, hoàn chỉnh mới có thể điều chỉnh được chiến lược, hoàn thiện quản trị và cũng chỉ khi đó vị trí và vai trò của hiệp hội doanh nghiệp với cơ quan nhà nước mới xác lập một cách chính thức, đầy đủ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết dù có một số điểm tích cực, nhưng nhìn chung hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn về vật chất, nhân lực.
Nêu thí dụ và hàm ý cho nguyên nhân này, TS. Lê Đăng Doanh nói: “Tôi đã hỏi một số doanh nghiệp về việc tham gia hiệp hội, họ nói chưa rảnh để tham gia, vì tham gia hiệp hội chỉ vui vẻ là chính. Tôi cũng đã dự nhiều cuộc họp của một số hiệp hội, nhận thấy đúng là hoạt động của hiệp hội vui vẻ là chủ yếu, còn nội dung nghiệp vụ ít, nhàm chán và phần lớn truyền đạt ý kiến, phổ biến nghị quyết”.
Để doanh nghiệp tham gia và đóng góp cho hiệp hội, ngay bản thân hiệp hội phải hoạt động hiệu quả, phản ánh được bức xúc của doanh nghiệp đến cơ quan công quyền. Hiệp hội nên hướng đến chất lượng hơn số lượng, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp để hút doanh nghiệp.
“Hiệp hội nhiều hội viên nhưng khi tổ chức đối thoại với chính quyền lại chủ yếu đứng lên hoan hô mà không nói tiếng nói của hội viên, như vậy thành lập hiệp hội để làm gì” - giám đốc một doanh nghiệp bày tỏ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng từ kết quả điều tra, nhóm nghiên cứu kiến nghị Nhà nước nên có bước đột phá nhận thức về môi trường pháp lý để hiệp hội có tính đại diện, làm cầu nối chặt chẽ bảo vệ hội viên cao hơn. Bên cạnh đó cần sớm thay đổi tính hành chính của hiệp hội trong hoạt động.
Với địa phương chỉ nên có một tổ chức hiệp hội doanh nghiệp chung, có cơ chế để hỗ trợ hiệp hội doanh nghiệp đất xây trụ sở. Mục đích để doanh nghiệp hội viên có thể họp, trưng bày hay tổ chức hội thảo... nhằm gắn kết với nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.