Theo đánh giá của Chính phủ, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 10 năm qua hầu hết đều đạt mục tiêu. Trong khi đó, thực trạng sử dụng đất đã vượt tầm kiểm soát của nhiều cơ quan quản lý.
Đất lúa đang bị mất dần. (Ảnh internet) |
Mâu thuẫn với thực tế
Bản đánh giá kết quả sử dụng đất được Chính phủ đưa ra cuối tuần trước toàn là những con số khá tốt. Như đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2010 tăng thêm 556.000 héc ta so với chỉ tiêu được giao. Các chỉ tiêu khác như diện tích đất trồng lúa vẫn đảm bảo an ninh lương thực, trừ một số địa phương do chuyển sang làm khu công nghiệp nên diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh.
Đất phi nông nghiệp trên toàn quốc bị vượt chỉ tiêu quy hoạch 855.000 héc ta. Mười năm qua, đất đô thị tăng thêm 62.000 héc ta so với năm 2000, vượt hơn 20% chỉ tiêu chủ yếu do nhiều đô thị mới thành lập, chuyển từ xã thành phường, thị trấn.
Một con số đáng chú ý là đất cho khu công nghiệp hiện nay hoàn toàn trùng khớp với chỉ tiêu từ 10 năm trước. Quốc hội phê duyệt đến năm 2010 là 100.000 héc ta và các tỉnh đã tận dụng hết chỉ tiêu này, tăng gấp bốn lần so với diện tích năm 2000, trong khi tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động bình quân đạt 46%. Ngược lại, diện tích cần mở rộng tương ứng là đất xử lý chất thải, bãi thải chỉ đạt 66% so với chỉ tiêu.
Từ những con số này, Chính phủ đánh giá kế hoạch sử dụng đất, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch ngày càng đi vào thực chất. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bám sát quy hoạch. Việc công khai quy hoạch đã minh bạch hơn, sự giám sát của người dân được tăng cường. Tất nhiên bên cạnh đó Chính phủ cũng thừa nhận một vài vấn đề tồn tại như chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất chưa sát dẫn đến việc phải điều chỉnh quy hoạch. Quản lý quy hoạch còn vì mục tiêu quản lý hành chính, vì lợi ích địa phương cục bộ.
Trong khi đó, tình hình sử dụng đất hiện nay đang là vấn đề “nóng” của xã hội, nó không đơn giản như những con số nói trên. Thậm chí ở nhiều địa phương, vấn đề sử dụng đất, thu hồi đất là nguyên nhân gây bất ổn xã hội và làm méo mó cơ cấu kinh tế. Việc cần làm là đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của việc quy hoạch, những tồn tại, yếu kém của cơ chế, chính sách, phân cấp quản lý đất đai... lại không xuất hiện trong báo cáo.
Sự thận trọng cần thiết
Phản biện những đánh giá của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) dẫn ra một số ví dụ. Trong 10 năm, có 270.000 héc ta đất lúa nước được chuyển cho mục đích khác, trong khi diện tích này hoàn toàn có thể bố trí trên các loại đất khác trên cùng địa bàn. Tại sao không làm? Hoặc như đất khu công nghiệp đạt 100% chỉ tiêu quy hoạch, nhưng việc đầu tư lại dàn trải, hiệu quả thấp, trong khi đất cơ sở sản xuất kinh doanh vượt cao (hơn 200%).
Việc lấy đất làm các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu cũng rơi vào tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tỷ lệ sử dụng đất ở 15 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu đạt khoảng 15%. Trong số 59 dự án sân golf đã được giao đất trên cả nước, có 60% diện tích đất thuộc dự án để làm du lịch sinh thái, trung tâm thương mại và đất ở. Đất ở đô thị tuy vượt chỉ tiêu nhưng nhiều khu đô thị còn để đất trống, nhiều khu lại có mật độ xây dựng quá dày, không thể phát triển được hạ tầng...
Mặc dù có nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực sử dụng đất, bất động sản ra đời trong những năm qua nhưng thực tế các cơ quan quản lý nhà nước đã không kiểm soát được sự phát triển của thị trường này. Chỉ tính riêng phân khúc thị trường bất động sản đô thị, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá là “một thập kỷ thăng trầm và diễn biến phức tạp, giá đất tăng khoảng 10 lần/10 năm”.
Ở nhiều thời điểm, việc giá đất tăng hay giảm quá mức gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế. Như nợ xấu bất động sản trong hệ thống ngân hàng sáu tháng đầu năm nay đã tăng 37% so với cuối năm 2010. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận diễn biến của thị trường này phức tạp, khó kiểm soát, nhất là ở các đô thị lớn.
Liệu, với thực tế như vậy, kế hoạch sử dụng đất năm năm tới mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội có đủ cơ sở thuyết phục? Ví dụ khi lập quy hoạch mới, căn cứ nào để các địa phương đề xuất chuyển 500.000 héc ta đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp, khiến cho diện tích trồng lúa đề xuất đến năm 2020 chỉ còn trên 3,6 triệu héc ta? Và căn cứ nào để Chính phủ đề nghị diện tích đó còn 3,81 triệu héc ta? Hay lý do nào để Chính phủ quy hoạch diện tích các khu công nghiệp tăng gấp đôi so với hiện tại (tăng thành 200.000 héc ta sau 10 năm nữa)?
Vấn đề quy hoạch, sử dụng đất năm năm hay 10 năm tới không phải là chuyển đổi mục đích đất được bao nhiêu, giữ được bao nhiêu khi không dự báo đầy đủ những hệ lụy của nó trong một nền kinh tế đang tồn tại nhiều chính sách về đất đai, về đầu tư, xây dựng ít đi vào thực tế, đồng thời với sự phân cấp quá mạnh cho địa phương nhưng lại thiếu việc giám sát chặt chẽ.
Vì vậy, Quốc hội chỉ nên thông qua các quy hoạch về sử dụng đất trên cơ sở có chương trình, kế hoạch giám sát, đánh giá đầy đủ hiệu quả của nó trong thời gian qua. Biện pháp trước mắt khi Luật Đất đai và các quy định liên quan còn chưa được sửa đổi là Nhà nước cần ban hành cơ chế điều tiết ngân sách để đảm bảo lợi ích giữa các địa phương, nhất là những nơi giữ vững đất lúa cho người trồng lúa.