Báo cáo của Hội đồng Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu trong năm 2018 đạt 1.300 tỷ USD, trong đó các nước đang phát triển tại châu Á khoảng 512 tỷ USD. Các quốc gia dẫn đầu trong thu hút FDI phải kể đến Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), các nước trong khu vực đông Đông Nam Á (ASEAN), Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, lĩnh vực ngành nghề và hình thức đầu tư FDI cũng có chiều hướng thay đổi.
Chuyển dịch FDI toàn cầu biến động lớn
Theo báo cáo từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), sự chuyển dịch FDI trên toàn cầu (giai đoạn 2011-2016) có biến động lớn và chiếm một nửa là các ngành công nghiệp dựa trên dịch vụ. Tuy nhiên tại khu vực ASEAN, các dự án đầu tư mới chưa hòa vào dòng chảy đó khi tỷ lệ thu hút đầu tư phi dịch vụ vẫn còn khá cao, chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp dệt may, máy móc-thiết bị công nghiệp, ô tô, xe máy, điện tử, sản phẩm tiêu dùng và chế biến thực phẩm và các ngành công nghiệp phụ trợ (vật liệu kim loại, nhựa, hóa chất, bao bì).
Do đó để thu hút được dòng vốn FDI thế hệ mới, các chuyên gia IFC cho rằng, dòng vốn từ Nhật Bản và Hàn Quốc mặc dù đang được thu hút hiệu quả, song trong giai đoạn tới, điều quan trọng Việt Nam phải thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư thuộc “nhóm tìm kiếm hiệu quả” từ châu Âu và Mỹ. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn vốn FDI cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao, qua đó cải thiện và tăng cường chuyển giao công nghệ cho khu kinh tế tư nhân trong nước.
Cơ sở dữ liệu từ FDImarkets cho thấy, Việt Nam bắt đầu thu hút hiệu quả các dòng vốn FDI từ châu Âu. Cụ thể, 14 năm qua, ngoài số lượng dự án đăng ký của Malaysia tốt hơn một chút, còn Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đứng sau Việt Nam.
Tương tự, đối với dòng vốn FDI từ Mỹ, trong nhóm các quốc gia tương đương thì Philippines thu hút tỷ trọng lớn hơn, sau đó đến Malaysia và Việt Nam.
Theo các chuyên gia của IFC, người láng giềng Trung Quốc đang là điểm đến quan trọng của FDI toàn cầu với tỷ lệ thu hút lớn nhất tại châu Á. Cụ thể, các nhà đầu tư châu Âu tiếp tục thúc đẩy các khoản đầu tư lớn tại đây, như Dự án Dây chuyền lắp ráp mới của Airbus ở Thiên Tân, Dự án Nâng cấp nhà máy Thẩm Dương của BMW, Liên doanh của Volkswagen với JAC về sản xuất xe điện, các dự án mới của Robert Bosch ở Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Giang Tô, Quảng Đông, Dây chuyền lắp ráp máy bay trực thăng của Airbus ở Thanh Đảo…
Một bức tranh khác biệt về dòng đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump đã sụt giảm tới mức thấp nhất kể từ 2003. Tuy nhiên, theo công bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc, Mỹ vẫn là nguồn cung cấp đầu tư FDI chính ở nước này, chiếm tỷ trọng trên 10% và đạt 1,78 tỷ USD (năm 2017).
Liên quan đến Việt Nam, báo cáo của IFC cho hay, nếu không tính FDI từ HongKong và Đài Loan, chênh lệch về hiệu quả thu hút FDI giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2017 là tương đối hẹp với 36,4 tỷ USD của Trung Quốc và trên 30 tỷ USD của Việt Nam.
Việt Nam có thể đáp ứng nhà đầu tư khó tính nhất
Thực tế cho thấy, các dự án FDI đến Trung Quốc cũng chính là loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai. Và, các chuyên gia từ IFC cho rằng, khả năng Việt Nam tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp từ châu Âu và Hoa Kỳ nhờ thu hút đầu tư bổ sung từ các nhà đầu tư đã có mặt trong khu vực và đặc biệt là Trung Quốc sẽ lớn hơn việc thu hút mới lần đầu.
“Những nhà đầu tư hàng đầu của châu Âu ở Trung Quốc (như Đức, Pháp, Anh) đang thường xuyên tìm cách mở rộng hoạt động ở một số quốc gia để nâng cao hiệu quả và hạn chế việc tập trung đầu tư vào một địa điểm duy nhất,” nhóm chuyên gia này tư vấn.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã thu hút được các nhà tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đến đầu tư, như Intel products Việt Nam (IPV), Samsung, LG… Và, các doanh nghiệp này đã có những bước phát triển thần tốc ở Việt Nam.
Bà Lee Soo Hooi, Tổng giám đốc IPV chia sẻ, Intel có thể xem như “một chứng chỉ chất lượng” cho một môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà đầu tư khó tính nhất.
Chuyển đổi phương thức đầu tư
Thời gian trở lại đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài trên toàn cầu đang dần thay đổi về phương thức đầu tư thông qua các chuỗi giá trị. Các tập đoàn đa quốc gia chuyển sang các phương thức đầu tư FDI mới (như thuê gia công, thuê ngoài dịch vụ, khoán nông nghiệp, nhượng quyền, cấp phép và quản lý theo hợp đồng) nhằm tìm kiếm kết quả kinh doanh tốt hơn.
Nếu như trước đây, những tập đoàn đa quốc gia đầu tư xuyên biên giới phải thông qua việc sở hữu trực tiếp cơ sở ở nước ngoài thì nay có thể thay thế thông qua phương thức đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM) và tầm quan trọng nó ngày càng được công nhận rộng rãi. Phương thức này cho phép các tập đoàn đa quốc điều phối các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc hỗ trợ cho các nhà cung ứng nội địa, từ đó tăng cường liên kết giữa nhà cung ứng Việt Nam trong chuỗi giá trị.
Cụ thể, hình thức đầu tư FDI mới sẽ thông qua các cơ chế hợp đồng thương mại giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, các khoản đầu tư thường là cung cấp thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kinh doanh, công nghệ, kỹ năng hoặc quy trình của doanh nghiệp.
Ví dụ, Hyatt chuyển quyền sử dụng thương hiệu và hệ thống điều hành cho một khách sạn của Nepal, hay Intel ký hợp đồng quản lý, hợp đồng thuê ngoài với Wipro (Ấn Độ) về gia công phần mềm, hoặc Apple thuê Inventec (Đài Loan) sản xuất một số loại linh kiện thông qua hợp đồng gia công.
Các chuyên gia quốc tế dự báo, hình thức đầu tư mới sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng tại Việt Nam với mục tiêu thu hút vốn FDI thế hệ mới. Phương thức đầu tư xuyên biên giới không góp vốn sẽ cho phép các tập đoàn đa quốc điều phối các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc hỗ trợ cho các nhà cung ứng nội địa, từ đó tăng cường liên kết các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị.
Theo giới chuyên gia, phương thức đầu tư không góp vốn và có góp vốn sẽ không loại trừ lẫn nhau. Bởi trên thực tế, các tập đoàn đa quốc gia ban đầu tham gia thị trường nước sở tại bằng phương thức không góp vốn, nhưng sau này họ có thể quyết định đầu tư trực tiếp thông qua sở hữu toàn bộ hoặc một phần bằng cách lập công ty con ở nước ngoài hoặc liên doanh.
Để đón nhận làn sóng mới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ động xây dựng chiến lược gia nhập “cuộc chơi” bằng cách chú trọng đầu tư cho công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, tận dụng các kênh thương mại điện tử, hệ thống thông tin dữ liệu, tiếp cận trí tuệ nhân tạo, máy học…
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, Việt Nam có một thế hệ doanh nhân trẻ, được đào tạo cơ bản, có tư duy mới và rất năng động, nếu được khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển sẽ là lực lượng đầy tiềm năng để trở thành những mắt xích trong các chuỗi cung ứng của khu vực FDI. Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện tập hợp được hơn 200 doanh nghiệp thành viên, trong đó có hàng chục công ty sản xuất các chi tiết, linh kiện, bộ phận máy móc, thiết bị, phần mềm… cung cấp cho các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu sang các công ty ở nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia IFC cũng khuyến cáo, chuỗi giá trị toàn cầu là cách thức ngày càng quan trọng, trong đó các phương thức sản xuất theo Hình thức đầu tư mới (như hợp đồng gia công, sản xuất theo giấy phép, thuê ngoài...) sẽ được tổ chức và có thể được tận dụng. Thu hút FDI theo hướng này đòi hỏi phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với diễn biến của chuỗi giá trị toàn cầu và điều chỉnh mục tiêu của nhà đầu tư. Các cơ hội theo hình thức đầu tư mới sẽ bị bỏ lỡ nếu khung pháp lý, chính sách không được củng cố (thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thực thi hợp đồng) cũng như trình độ, năng lực, vị thế thương lượng trong nước vẫn còn yếu.