Hộ kinh doanh “không lớn” thành DN vì sợ rủi ro

(ĐTTCO) - Các hộ kinh doanh không muốn chuyển lên thành DN vì lo ngại rủi ro về thuế, các yêu cầu minh bạch quản trị DN, sự nhũng nhiễu, và tâm lý e ngại, tự thỏa mãn và quen làm nhỏ. 
Hộ kinh doanh “không lớn” thành DN vì sợ rủi ro
Mặt khác, với môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại nhiều hộ kinh doanh đang cảm thấy bất lợi nếu chuyển thành DN.
Báo cáo nghiên cứu Chính thức hóa hộ kinh doanh ở Việt Nam, thực trạng và khuyến nghị chính sách do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố sáng nay 28-4 tại Hà Nội, cho thấy trong những năm gần đây số hộ kinh doanh tăng lên nhanh chóng, năm 2015 cả nước có hơn 4,7 triệu hộ kinh doanh nhưng chỉ có khoảng 1,3-1,5 triệu hộ có nộp thuế. 
Cả nước có hơn 4,75 triệu hộ kinh doanh
Khảo sát nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra rằng, hộ kinh doanh là một trong những chủ thể sản xuất kinh doanh, kinh doanh quan trọng hiện nay của nền kinh tế. Cả nước năm 2015 có trên 4,75 triệu hộ kinh doanh, con số này gấp khoảng 10 lần tổng số DN hoạt động cùng kỳ. Tổng doanh thu của các hộ kinh doanh trong năm này đạt 2.249 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng 8 triệu việc làm cho xã hội. 
Tuy nhiên, đóng góp của khu vực kinh tế hộ kinh doanh cho NSNN còn rất khiêm tốn, số thuế thu từ khu vực hộ kinh doanh năm 2014 chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu nội địa.
Theo quy định của Luật DN 2005, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN hoạt động theo quy định của luật này, và đến khi Luật DN 2014 được ban hành quy định này một lần nữa được duy trì. Như vậy, theo quy định hộ kinh doanh buộc phải chuyển đổi thành mô hình DN theo Luật DN đã có hiệu lực mười mấy năm nhưng trên thực tế chỉ có một tỷ lệ nhỏ hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN theo quy định. 
Mặt khác, Luật DN những năm qua đã khuyến khích hộ kinh doanh thành lập DN thông qua việc bãi bỏ quy định về số vốn điều lệ tối thiểu - vốn pháp định để thành lập DN theo các mô hình công ty TNHH, CTCP, công ty hợp doanh, và DN tư nhân.
Thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo, TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế kinh tế (CIEM), cho biết những năm qua mô hình kinh tế hộ kinh doanh có đóng góp lớn trong tạo việc làm và giải quyết vấn đề xã hội, khu vực này là một động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, hiệu quả sử dụng các nguồn lực của hộ kinh doanh ngày càng tăng cao. Nhưng so với khu vực DN, khu vực kinh tế hộ kinh doanh có hạn chế là năng suất lao động thấp.
Nhiều địa phương đã đưa ra những cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN thông qua việc hỗ trợ lệ phí đăng ký thành lập DN, lệ phí khắc dấu, thuế môn bài, kinh phí thực hiện phần mềm kế toán nhưng kết quả  chuyển đổi thời gian qua rất hạn chế. 
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng chưa có nhiều DN được thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh, trong tổng số DN thành lập mới những năm qua, chỉ có17,8% DN có nguồn gốc hộ kinh doanh, trên 80% DN được thành lập mới hoàn toàn. Hơn nữa, không có nhiều hộ kinh doanh dự kiến chuyển thành DN, có khoảng 11,3% hộ kinh doanh có trên 10 lao động chưa chuyển đổi, trong số đó chỉ có 5,63% có dự kiến chuyển đổi.
Nếu có lợi sẽ tự chuyển đổi thành DN
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, có nhiều điều khiến hộ kinh doanh cảm thấy bất lợi khi chuyển sang hoạt động theo mô hình DN như: phải thay đổi chế độ kế toán từ thuế khoán lên tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn, cách thức quản lý sổ sách; phải bổ sung nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị, hồ sơ kế toán phát sinh nhiều chi phí; thường xuyên đụng chạm đến nhiều thủ tục hành chính, và quy định xử phạt hành chính với DN cao hơn hộ kinh doanh; tâm lý hộ kinh doanh không muốn lớn lên vì sợ làm phiền. 
Quy định quản lý hộ kinh doanh hiện nay cũng lỏng lẻo hơn nhiều so với DN, hộ kinh doanh thường lách luật bằng cách thuê lao động thời vụ không phải ký hơp đồng lao động, không phải trả lương và đóng bảo hiểm theo quy định, không đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường, an toàn lao động. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng chưa đến được với DNNVV nên các hộ kinh doanh chưa cảm nhận được lợi thế mô hình DN, trong khi họ vẫn có thể tận dụng những lợi thế vốn có.
Nhận định về thực trạng hộ kinh doanh không muốn chuyển thành DN, TS. Lê Xuân Bá, Nguyên viện trưởng CIEM, nhấn mạnh nếu có lợi thực sự hãy khuyến khích hộ kinh doanh lên DN, khi hộ kinh doanh thấy có lợi họ tự chuyển đổi thành DN thôi. Còn nếu hàng triệu hộ kinh doanh đang làm ăn tốt, có lợi cho nền kinh tế sao phải bắt họ lên DN làm gì? Nếu nâng lên DN tốt hơn, ta chẳng xui hộ kinh doanh họ cũng tự chuyển lên thành DN, chúng ta cần đứng trên góc độ hộ kinh doanh đang mong muốn gì khi họ lên DN để làm chính sách.
Theo vị này, chính sách khuyên khích hộ kinh doanh chuyển lên thành DN cần xây dựng theo hai hướng, từ hai phía. Thứ nhất từ phía hộ kinh doanh, thực trạng không muốn chuyển đổi xuất phát từ tâm trạng cò con của DN, tư tưởng dễ thỏa mãn của hộ kinh doanh, tâm lý ngại lớn một phần xuất phát từ việc kỳ thị DN tư nhân trong nhiều năm trước đây. Tâm lý “nuôi béo để thịt” khiến nhiều hộ kinh doanh e ngại lớn lên. Muốn phát triển thành DN, trình độ hộ kinh doanh cũng là một rào cản. 
Còn từ phía Nhà nước cần ban hành chính sách làm sao để các hộ kinh doanh hiểu được chính phủ thực sự quan tâm đến kinh tế tư nhân, làm sao để họ thấy được cơ chế, chính sách không đè họ nữa.
Ngành nghề kinh doanh chính của các hộ kinh doanh trên cả nước tập trung vào 2 lĩnh vực công nghiệp xây dựng (18,8%), thương mại dịch vụ (81,2%). Các ngành thương mại dịch vụ đang được các hộ kinh doanh là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ lưu trú, ăn uống, kinh doanh bất động sản, thông tin, truyền thông, tài chính… Quy mô vốn của các hộ kinh doanh trong giai đoạn 2010 - 2015 dao động từ 80-100 triệu đồng/hộ, giá trị tài sản cố định/hộ kinh doanh dao động từ 120-160 triệu đồng. Xét theo quy mô vốn, có 13,21% hộ kinh doanh quy mô vốn từ 300 triệu - 1 tỷ đồng, 8,7% hộ kinh doanh có quy mô vốn từ 1-5 tỷ đồng.

Các tin khác