Hồ Tam Chúc vịnh Hạ Long trên cạn tại Hà Nam

Hồ Tam Chúc vịnh Hạ Long trên cạn tại Hà Nam

Khám phá du lịch tại Hà Nam, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của hồ Tam Chúc (thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng). Đây là một hồ nước ngọt rộng lớn được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi cao đều nhau, tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình và được mệnh danh vịnh Hạ Long trên cạn của tỉnh Hà Nam.

Tam Chúc nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi đá vôi và vùng đồng bằng nên có cảnh quan rất đa dạng, có núi đồi, hồ, đồng bằng nhỏ và hệ động, thực vật phong phú. Hồ Tam Chúc nằm cách hữu ngạn sông Đáy không xa, lòng hồ có diện tích mặt nước rộng 600ha và là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất cả nước. Từ xa xưa, hồ Tam Chúc đã nổi tiếng là vùng đất địa linh gắn liền với các câu chuyện huyền thoại. Trong đó có giai thoại “Tiền Lục Nhạc, Hậu Thất Tinh”. Lục nhạc nghĩa là 6 quả núi nhô lên giữa lòng hồ, tạo ra những hình thế rất kỳ vĩ.

Chuyện xưa kể rằng: Có 6 nàng tiên giáng trần dạo chơi, khi đến hồ Tam Chúc thì bị mê mẩn bởi cảnh đẹp nơi đây và không chịu về. Thiên đình đã 6 lần cử thiên binh thiên tướng đến gọi nhưng các nàng không về. Mỗi lần xuống thiên binh đều dùng một quả chuông làm binh khí để thu phục các nàng. 6 lần hạ phàm là 6 quả chuông được sử dụng.

Mặc dù lệnh trời đã ban, chuông đã được rung nhưng các nàng nhất quyết không chịu quay về. Và có một điều kỳ lạ rằng, đến cả 6 quả chuông cũng đã ở lại không về, gắn bó mãi mãi với nơi đây. 6 quả chuông ấy sau này đã hóa thành 6 ngọn núi mọc lên giữa lòng hồ Lục Nhạc.

Về sự tích núi Thất Tinh, chuyện kể rằng có 7 nàng công chúa đã hóa thành 7 ngọn núi nằm ở phía sau chùa. 7 ngọn núi này nằm trong dãy 99 ngọn núi thiêng hướng về khu vực chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). Tích xưa còn kể rõ, 7 ngọn núi xuất hiện 7 đốm sáng lớn như 7 ngôi sao sáng suốt đêm ngày, vậy nên dân làng gọi là núi Thất Tinh, chùa ở chân núi gọi là chùa Thất Tinh.

Tuy nhiên, sau đó có người đến núi Thất Tinh đục đẽo định lấy đi 7 ngôi sao đang tỏa sáng. Họ đã lấy củi chất thành đống lớn đốt lửa trong nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ đi và sau đó chỉ còn lại 3 ngôi. Vì vậy chùa Thất Tinh đã đổi tên thành chùa Ba Sao và thị trấn Ba Sao của huyện Kim Bảng có tên từ tích này mà ra.

Hồ Tam Chúc được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi nên nước rất trong và hơi có màu xanh lục. Vào buổi bình minh, khi ánh nắng ban mai ló rạng sau đỉnh núi, nắng vàng huyền ảo soi rọi bóng hồ, cảnh sắc biến ảo khiến cho con người như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Đến khi hoàng hôn buông bóng chiều tà, hàng trăm loài chim cò sau cả ngày đi kiếm mồi bay về tổ ở vùng hồ Tam Chúc. Chúng không chỉ trú ngụ trên những quả núi mà ngay ở những quả đồi thấp đều phủ kín tổ chim. Đàn chim lên đến hàng ngàn con tạo nên một nét đẹp hoang sơ, yên bình đến lạ thường.

Người dân sống quanh khu vực lòng hồ Tam Chúc rất có ý thức bảo vệ môi trường sống của các loài chim, họ không săn bắt mà để chúng tự nhiên sinh sống. Những loài chim phổ biến nhất ở đây có thể kể đến như sếu đầu đỏ, le le, hạc, cò vạc… Đặc biệt ở hồ Tam Chúc có một loài cá đặc hữu rất quý hiếm đó là cá trối. Cá trối nhìn vẻ bên ngoài giống như cá quả nhưng không có vây bụng.

Gốc vây đuôi của cá trối xuất hiện đốm tròn đen với một vành trắng bao quanh như hình con mắt. Đầu cá dẹp bằng, đỉnh đầu rộng và bằng thuôn về 2 phía. Cá trối là loài lưỡng sinh có thể sinh sống trên cạn và dưới nước. Cá trối có hình dáng và màu sắc đẹp, bên cạnh đó thịt rất thơm ngon, mềm và không có xương dăm.

Gần đây, Tam Chúc trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút hàng ngàn khách du lịch mỗi ngày. Tam Chúc đã được quy hoạch và trở thành khu du lịch quốc gia với tổng diện tích 5.000ha, trong đó bao gồm nhiều hạng mục như cảnh quan hồ Tam Chúc, chùa Tam Chúc, đền Tứ Ân...

Để di chuyển tới chùa Tam Chúc có thể lựa chọn xe điện hoặc đi thuyền trên hồ. Đi thuyền trên hồ sẽ giúp du khách được thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên của Tam Chúc dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu như du khách ghé thăm Tam Chúc vào mùa sen nở sẽ thấy một biển sen hồng mênh mông trong sóng nước.

Mỗi chuyến du thuyền trên hồ sẽ mất khoảng 20 phút. Thuyền của khu du lịch có sức chứa khoảng 100 người và có 2 tầng được trang bị áo phao đầy đủ. Du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi ngắm nhìn hình dạng của các quả núi, có lúc như người đàn ông khổng lồ đang quỳ gối, có khi như quả chuông đang ngân vang ở chốn Niết bàn.

Thong thả du thuyền giữa lòng hồ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi non hùng vĩ lắng nghe câu chuyện huyền bí đầy màu sắc huyền thoại đối với những địa danh như hồ Lục Nhạc, núi Thất Tinh, chùa Ba Sao, thung Vạc, hồ Tay Ngai… là một trải nghiệm khó quên với du khách.

Thuyền cập bến. Du khách bắt đầu tham quan chùa Tam Chúc với 3 điện chính là điện Quan Âm, Pháp Chủ và Tam Thế. Ngoài ra, du khách có thể leo bộ khoảng 500 bậc đá để lên chùa Ngọc phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh hồ Tam Chúc. Một số điểm di tích khác như đình Tam Chúc, chùa cổ Tam Chúc, vườn kinh Phật... cũng nằm cách đó không xa du khách có thể tự đi bộ ngắm cảnh hoặc sử dụng dịch vụ xe điện của ban quản lý.

Du xuân Tam Chúc đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người bên cạnh các địa điểm quen thuộc như chùa Hương, chùa Yên Tử, chùa Bái Đính... Ngoài ra, Tam Chúc chỉ nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Nam, đường đi rất thuận lợi, có thể đi theo Quốc lộ 1A tới TP Phủ Lý và đi rẽ phải 10km hoặc đi theo Quốc lộ 21A. Một lựa chọn khác cho dân đam mê phượt là có thể men theo đê sông Đáy để ngắm cảnh sắc non nước hữu tình trước khi dừng chân tại Tam Chúc.

Các tin khác