Hỗ trợ DN: Tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, 9 tháng năm nay, bên cạnh 57.000 DN trong nước đăng ký thành lập mới cũng có ngót nghét 50.000 DN phá sản, giải thể. Lạm phát cao và khủng hoảng, trì trệ kinh tế thế giới đang làm nhiều DN lao đao. Giải pháp nào để hỗ trợ DN vượt khó và thích ứng năm 2012 khi khó khăn dự báo vẫn tiếp diễn?

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, 9 tháng năm nay, bên cạnh 57.000 DN trong nước đăng ký thành lập mới cũng có ngót nghét 50.000 DN phá sản, giải thể. Lạm phát cao và khủng hoảng, trì trệ kinh tế thế giới đang làm nhiều DN lao đao. Giải pháp nào để hỗ trợ DN vượt khó và thích ứng năm 2012 khi khó khăn dự báo vẫn tiếp diễn?

Minh bạch điều hành

Về vốn, theo tôi trước mắt, cần làm rõ 3 yếu tố: tiêu chí, cơ chế thực hiện, kiểm soát lợi ích và các chế tài gắn liền việc cắt giảm, giãn tiến độ các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) và tín dụng đầu tư nhà nước.

Từ đó chuyển một phần vốn tiết kiệm được hay bị thu hồi từ đầu tư công sai mục đích tạo nguồn vốn bổ sung với lãi suất thấp, ưu đãi cho các tổ chức tín dụng và tài chính để tăng nguồn lực trực tiếp cho vay DN nhỏ và vừa, vay phát triển nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, nhất là hỗ trợ quá trình tái cấu trúc DN. Về thông tin chính sách cần minh bạch, đa dạng và đáng tin cậy, nhất là DN nhà nước (DNNN).

Tái cơ cấu phải có tầm nhìn xa, không bị "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm" chi phối. Đồng thời cần có sự đổi mới quy trình và phương pháp thực hiện quy hoạch, đi từ yêu cầu và mục tiêu tổng thể chung của cả nước, đến các vùng lãnh thổ, rồi mới đến từng địa phương, cơ sở. Khắc phục tình trạng trì trệ hoặc lạm dụng, trục lợi, thậm chí tái cấu trúc kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong công tác quản lý hoặc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chỉ đạo, điều hành…

Nếu số liệu thống kê nhà nước đưa thông tin sai thì việc điều hành Chính phủ sẽ sai, dễ tạo ra sự hỗn loạn và đổ vỡ bất ngờ, chí ít cũng làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế và chống lạm phát.

Tóm lại, thông tin phải minh bạch và chính sách phải được hoàn thiện dần theo hướng có thể dự báo trước; tăng chất lượng và vai trò dự báo tác động 2 mặt của chính sách có phản biện khoa học.

Yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đòi hỏi Nhà nước không bao cấp rủi ro cho DN, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho DN bằng các quyết định hành chính.

Có một nghịch lý là hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Trong khi đó Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra.

Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật Quản lý vốn nhà nước hoặc Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết để điều chỉnh bằng luật, trong đó có đầu tư của các DNNN trong 2 dạng hoạt động lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Cần phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác.

 Tăng cường giám sát

Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; tập trung phát triển DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân.

Nghiên cứu chỉnh sửa giảm tỷ trọng xuống dưới 10%, thậm chí  bãi bỏ quy định hiện nay cho phép  DNNN được phép đầu tư “trái ngành” tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư; mức vốn đầu tư công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, mức vốn góp của công ty mẹ và công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn…

Để vượt khó, các DN đang cần cơ chế cạnh tranh bình đẳng. Ảnh: LÃ ANH

Để vượt khó, các DN đang cần cơ chế cạnh tranh bình đẳng. Ảnh: LÃ ANH

Đổi mới quản trị và cơ chế hoạt động của DNNN theo hướng chuyển sang tổ chức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH phù hợp với quy định của Luật DN, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Trước mắt cần sửa đổi ngay những quy định không phù hợp liên quan đến vấn đề xác định giá trị DN, chọn đối tác chiến lược, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động... Đồng thời, làm rõ hơn vai trò của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu; quyền chủ động điều hành sản xuất, kinh doanh của tập đoàn với yêu cầu đầu tư của Nhà nước vì lợi ích chung.

Sự phân cấp quản lý cần thống nhất và rõ ràng, gắn với chịu trách nhiệm liên đới của từng tổ chức, cá nhân trong quản lý DNNN; công khai các thông tin, quy trình, thủ tục, danh mục dự án, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án đầu tư của DNNN; xem xét bổ sung quy định các hoạt động đầu tư công phải chịu sự giám sát của cộng đồng, xác lập quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong vai trò giám sát đối với các hoạt động đầu tư của DNNN.

Cần có cơ chế mới ngăn chặn kiên quyết và hiệu quả hơn những biểu hiện và hoạt động “lobby” chính sách và sự chi phối chính sách, kế hoạch và hoạt động đầu tư vì lợi ích nhóm, ngành, cục bộ và lối tư duy nhiệm kỳ không vì lợi ích chung và sự phát triển quốc gia.

Bởi việc này dễ tạo sự lệch hướng hay thiếu thống nhất về chính sách và gây thiệt hại chung cho xã hội. Do vậy cần tạo điều kiện các loại hình DN tham gia rộng rãi, bình đẳng việc đấu thầu các dự án, đặc biệt là dự án được tài trợ bằng các nguồn lực công, cũng như các hoạt động mua sắm chi từ nguồn đầu tư công, bãi bỏ việc khép kín trong khu vực Nhà nước.

Dự án vì lợi ích công, tất cả loại hình DN có đủ năng lực, tiêu chuẩn phù hợp đều có quyền cạnh tranh thực hiện.

Các tin khác