Hỗ trợ doanh nghiệp chống khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp

(ĐTTCO)-Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, 28 địa phương có biển đã nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu và đạt được những kết quả khả quan.
Tàu cá hoạt động trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)
Tàu cá hoạt động trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định vẫn còn là một hành trình dài của nghề cá và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam.

Để nguồn nguyên liệu hải sản được kiểm tra, truy xuất nguồn gốc rõ ràng khi nhập cảng, các Ban quản lý cảng cá càng phải nâng cao nghiệp vụ kiểm tra, xác nhận và có quyết định thông cảng. Chính vì điều này, cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản đã tích cực hỗ trợ công tác để chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp hiệu quả hơn.

Chấm dứt tàu cá vi phạm

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, 28 địa phương có biển đã nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp và đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể, số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS và có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá đạt 90,87%, tăng 0,61% so với 2 năm trước.

Đáng lưu ý, tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý giảm đáng kể, từ đầu tháng 10/2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc nào bị nước ngoài bắt giữ. Toàn bộ 28 địa phương ven biển đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan thực hiện việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đúng theo quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu còn một tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài, việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu là rất khó.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản cùng chính quyền địa phương các tỉnh có biển, cộng đồng ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản phải kiên quyết không để xảy ra trường hợp nào vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.

Để có thể giúp ngư dân thuận lợi hơn trong thực hiện ghi chép nhật ký khai thác, hành trình cũng như thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản mong muốn sớm có thiết bị ghi chép bằng điện tử để cho ngư dân có điều kiện tốt nhất khi ra khơi đánh bắt.

Để vận hành tốt hoạt động thực hiện chống khai thác bất hợp pháp trong doanh nghiệp, hiện nay VASEP cũng đã có những chuyến đến hướng dẫn trực tiếp doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản các tiêu chí phải thực hiện nghiêm khắc trong thu mua nguyên liệu hải sản.

Đồng thời, VASEP cũng phối hợp với các Sở Nông nghiệp, Chi cục thủy sản, Ban quản lý cảng cá tại những địa phương có biển để đẩy mạnh những thuận lợi, giải quyết những khó khăn trong việc kiểm tra tàu cá cập bến, xuất bến, ghi chép, đo lường sản lượng, loài hải sản cập bến cũng như xác nhận nguyên liệu được khai thác hợp pháp; tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn nguyên liệu tiêu thụ với giá cao, chất lượng cao, doanh nghiệp có đủ chứng từ công nhận xuất xứ, phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.

Doanh nghiệp nỗ lực thực thi

Nguồn nguyên liệu khai thác hải sản hiện nay chủ yếu cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, đơn vị tiêu thụ đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống khai thác bất hợp pháp.

Ho tro doanh nghiep chong khai thac, danh bat thuy san bat hop phap hinh anh 2
Lực lượng chấp pháp trên biển của Ninh Thuận tuyên truyền cho ngư dân về các quy định pháp luật trong đánh bắt hải sản (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Khi doanh nghiệp bất hợp tác với nguồn nguyên liệu hải sản không có xuất xứ rõ ràng, thiếu nhật kí hành trình và nhật ký khai thác có nghĩa là sản lượng khai thác, đánh bắt đó khó có thể tiêu thụ, khiến cho chủ tàu và thuyền trưởng sẽ hòa vốn hoặc lỗ khi chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa với giá thấp.

Theo ông Lương Công Đồng, một ngư dân khai thác xa bờ tại phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, mỗi chuyến ra khơi tốn rất nhiều chi phí xăng, dầu, nhân công, ăn uống, đó là chưa kể đến những chi phí sử dụng máy nhắn tin và cả thiết bị giám sát hành trình.

Với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, mỗi chuyến biển có nhật ký khai thác, giám sát hành trình mới bán được giá cao, chuyến biển này mới có lãi.

Nếu như không thực thi đúng Luật Thủy sản 2017 và những yêu cầu chi tiết do Chi cục Thủy sản Phú Yên triển khai, toàn bộ sản lượng khai thác được sẽ không có “hộ chiếu” truy xuất nguồn gốc để lưu hành vào nhà máy của doanh nghiệp chế biến hải sản.

Như vậy, toàn bộ sản lượng tiêu thụ trôi nổi bên ngoài chỉ được mua với giá thấp, khó có lời. Mặc dù lắp thiết bị, thực hiện tin nhắn, qua hai hệ thống khai báo mất nhiều chi phí, nhưng cũng giúp ngư dân có được ít lợi nhuận.

Nói về hoạt động tích cực chống khai thác bất hợp pháp hiện nay, mục đích cuối cùng là vì một nghề cá nhân văn, bền vững, cũng là để gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, đại diện Công ty cổ phần Bá Hải (Phú Yên) chia sẻ, chính quyền địa phương phải tăng hình thức xử phạt cao hơn, mạnh hơn nữa đối với những tàu cá vi phạm chống khai thác bất hợp pháp.

Bởi, khi có người vi phạm mà hình thức xử phạt chưa đủ “nặng,” người vi phạm còn kinh phí hoạt động thì những người khác sẽ có thể làm theo, mọi hoạt động chống khai thác bất hợp pháp sẽ không hiệu quả. Khi xử phạt thật nặng, các tàu cá mới không dám vi phạm vùng biển nước ngoài nữa.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản nhấn mạnh nghề cá Việt Nam kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng theo đúng quy định pháp luật thủy sản, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển chồng lấn, tranh chấp, ranh giới vùng biển giữa Việt Nam và các nước.

Giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, trao đổi thông tin kịp thời giữa các lực lượng thực thi pháp luật để ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá có dấu hiệu vi phạm.

Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp liên ngành trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài nêu rõ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp.

Đáng lưu ý nhất là ở cấp xã, phường về tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, chính quyền địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, kịp thời động viên, khen thưởng điển hình và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác bất hợp pháp./.

Các tin khác