Làm ăn với “người khổng lồ” Trung Quốc gặp không ít khó khăn, trong đó nạn hàng nhái, hàng giả luôn là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam đã tìm được cách hóa giải để trụ vững tại thị trường tiềm năng này.
Thị trường không thể bỏ qua
TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Đại học Quốc gia Singapore, chia sẻ quan điểm với nhiều DN Việt Nam liên quan đến việc làm ăn với Trung Quốc: “Nên coi Trung Quốc là một đối tác quan trọng hơn là cội nguồn của những thách thức”.
Điều này được nhiều DN nhận thức đầy đủ, coi Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu không thể bỏ qua. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinamit, cho biết DN của ông hiện đang làm ăn rất thành công tại thị trường Trung Quốc.
Năm 2011, khi thị trường trong nước sụt giảm mạnh do khó khăn chung của nền kinh tế thì công ty ông đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và đạt tăng trưởng đến 40%. Bước đi này vừa giúp công ty giữ được kế hoạch doanh số, vừa được hưởng mức lãi suất ưu đãi 11,5%/năm.
Ông Viên cho hay năm nay Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường được Vinamit tập trung đẩy mạnh. Tương tự, Công ty Kềm Nghĩa cũng coi Trung Quốc là một thị trường quan trọng vì sức tiêu thụ ở thị trường đông dân nhất thế giới này rất cao, dù có những thời điểm chính ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Kềm Nghĩa, cảm thấy chán nản trước tình trạng hàng nhái, hàng giả tràn lan tại thị trường này.
Điểm mặt những DN Việt Nam đang thành công tại thị trường Trung Quốc gồm CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina), CTCP Vinacafé Biên Hòa, Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s)… Dù con số chưa nhiều nhưng cũng đủ để minh chứng DN Việt Nam hoàn toàn có thể hóa giải khó khăn khi làm ăn tại thị trường Trung Quốc.
Trong đó, hóa giải vấn nạn hàng giả, hàng nhái là một trong những bài học kinh nghiệm cho những DN đi sau. Chuyện người Trung Quốc ngoài thói quen uống trà đã có thêm thói quen thưởng thức hương vị cà phê cũng có công của Vinacafé Biên Hòa. Công ty luôn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của mình tại Trung Quốc ở mức cao từ 20-30%/năm.
Lấy lợi thế từ nông sản Việt Nam như Vinamit hay Vinacafé Biên Hòa để tấn công vào thị trường này đạt được thành công không khó, nhưng mạo hiểm đi vào công xưởng giày dép để bán sản phẩm giày dép như Bita’s và sau này có thêm thương hiệu Bitis lại không dễ dàng. Vậy tất cả các DN Việt Nam đã làm gì, làm như thế nào để chống lại vấn nạn gây đau đầu cho hầu hết các DN đưa hàng sang Trung Quốc: nạn hàng giả, hàng nhái?
Những bài học kinh nghiệm
Hầu hết các sản phẩm khi xuất sang Trung Quốc nếu bán chạy ngay lập tức sẽ có hàng nhái, hàng giả. Đó là điều DN nào cũng gặp phải.
Ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ: “Trung Quốc có luật cưỡng chế tốt hơn Việt Nam. Nếu mình chứng minh được đơn vị nào đó làm giả sản phẩm với đơn hàng hơn 60.000NDT thì cứ đi thưa và họ sẽ bị bắt. Nhưng họ cũng rất khôn ngoan nên chẳng dại gì làm đơn hàng lớn hơn 60.000NDT. Để đối phó với thủ đoạn này, chúng tôi gom 2, 3, 4 đơn hàng để làm minh chứng khi kiện họ làm hàng giả.
![]() |
Sản phẩm của Vinamit xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng 40%. |
Qua thời gian làm ăn tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi rút được bài học về chống hàng nhái, hàng giả là phải đăng ký sở hữu thương hiệu ngay khi có ý định xuất khẩu”. Nói đến câu chuyện đăng ký sở hữu thương hiệu ngay khi có ý định xuất khẩu, trường hợp của Kềm Nghĩa chính là một bài học kinh nghiệm.
Công ty đã bị chính nhà phân phối làm giả sản phẩm và còn đem đi đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Khi phát hiện, Kềm Nghĩa chỉ còn cách “lùi một bước để tiến 2 bước” là thay đổi chính hệ thống nhận diện thương hiệu cũ của mình, sau đó tự tiến hành các hoạt động truyền thông để người tiêu dùng Trung Quốc nhận ra bộ nhận diện thương hiệu mới.
Theo nhiều DN đang làm ăn tại Trung Quốc, có một phương thức được cho là hữu hiệu nhất, đó chính là chất lượng sản phẩm. Người Trung Quốc vẫn chọn hàng Việt Nam có giá cao hơn vì họ biết chất lượng được đảm bảo hơn so với hàng giả, hàng nhái. Và đặc biệt phải chọn được kênh phân phối có uy tín nếu không muốn chính bạn hàng “phản” lại mình.
Thêm vào đó, một số bí quyết các DN khác có thể “bỏ túi” để hàng Việt Nam thành công tại thị trường Trung Quốc: trên bao bì sản phẩm ngoài tiếng Hoa nên in thêm tiếng Anh vì người Trung Quốc rất thích hàng cao cấp, ngoại nhập.
Bên cạnh đó, để có thể quảng bá sản phẩm mới, đừng nên nghĩ tới các hình thức như qua truyền hình vì chi phí cao mà hiệu quả chưa chắc như mong muốn. Hãy dùng hình thức quảng cáo trực tiếp đến người tiêu dùng như dùng thử sản phẩm, hoặc tham gia các hội chợ có uy tín được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích hoặc hỗ trợ.